Tìm pháp căn cơ để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra

01/09/2011

Hiệp hội nghề nuôi thuỷ sản của các tỉnh vùng ĐBSCL cho biết, hiện nay có tới 30% diện tích nuôi cá tra bị bỏ hoang.

Thậm chí có địa phương, như tại tỉnh Trà Vinh, diện tích nuôi cá tra bị bỏ hoang chiếm tới một nửa.
Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phỏng vấn ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Trà Vinh về nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra trong tỉnh.
** Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng loạt hộ ở tỉnh Trà Vinh dừng nuôi cá tra?
- Cũng cùng cảnh ngộ như các tỉnh ĐBSCL, nuôi cá tra ở Trà Vinh đang có khó khăn là chưa gắn kết được giữa người sản xuất cá tra với các nhà chế biến. Do vậy, chưa chủ động được giá bán ra, mà đầu ra thì bấp bênh. Thứ 2 là giá cả vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn công nghiệp so với trước đây tăng nhiều, người nuôi không dám đầu tư vốn, do không vay vốn được ngân hàng trong khi thức ăn đầu tư cho nuôi cá tra rất lớn. Các doanh nghiệp khi thu mua cá của dân cũng trả tiền quá chậm gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất. Đó là những nguyên nhân chính khiến nhiều người bỏ nuôi.
** Vậy theo ông cần có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn giúp cho nghề nuôi cá tra phát triển bền vững?
- Chúng tôi rất phấn khởi khi được biết Nhà nước chuẩn bị ra Nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra. Trong dự thảo gửi các tỉnh, Nhà nước đã có chủ trương là phải quy định giá sàn thu mua nguyên liệu rồi giá sàn xuất khẩu, thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam. Do vậy sẽ có sự gắn kết giữa người sản xuất với nhà chế biến.
Muốn cá tra phát triển bền vững thì nghị định này phải sớm được ban hành, để các địa phương tổ chức thực hiện. Cũng như giữa người nuôi, nhà chế biến nhà cung cấp thức ăn có sự phối hợp nhịp nhàng hơn thì người nông dân mới yên tâm sản xuất.
Thứ 2 là để cá tra phát triển bền vững, nhà nước phải nhanh chóng cung cấp, cải tạo đàn cá tra bố mẹ cũng như là xã hội hoá việc sản xuất giống. Hiện nay giống cá tra bố, mẹ thoái hoá do cận huyết, do vậy tỷ lệ sống thấp, ảnh hưởng tới giá thành.
Thứ 3 là vấn đề vốn cho người sản xuất. Trong quá trình nuôi cá tra, người dân cần rất nhiều chi phí mua thức ăn nuôi cá, trong khi đó, tài sản thế chấp là ao đìa nuôi cá tra vay vốn ngân hàng thì không đủ điều kiện để thế chấp. Ngân hàng nhà nước cần có sự hỗ trợ cho người nuôi cá tra vay bằng hình thức tín chấp, hoặc vay trên các hợp đồng đã ký giữa người sản xuất với nhà máy để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Và cũng đề nghị có biện pháp chế tài để xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, ép giá người nuôi, xuất khẩu sản phẩm không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng tới uy tín cá tra Việt Nam.
Về phía tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi đang xây dựng các chi hội nuôi cá tra để gắn kết hợp đồng giữa người nuôi với những nhà khoa học giúp đỡ người nuôi trong quá trình tăng năng suất, phòng trừ dịch bệnh, kiểm soát con giống và gắn kết giữa người nuôi với các nhà chế biến. Chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn Global Gap cho những hộ nuôi cá tra ở quy mô nhỏ.
** Xin cảm ơn ông!
Theo VOVNEWS

Tin khác