Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,93% so với tháng 7. Đây là mức tăng thấp so với các tháng trước, giá cả một số hàng hóa thiết yếu cũng đã chững lại.
Cụ thể, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm tích cực đã làm cho chỉ số giá tháng 8 có mức tăng thấp nhất trong năm. Tuy nhiên, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn là nhóm có mức tăng cao nhất 1,35%, trong đó: nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 1,59%, nhóm thực phẩm tăng 1,55%. Chuẩn bị vào năm học mới nên nhóm giáo dục tăng 1,13%.
Sức mua trên thị trường hàng hoá vẫn ổn định, cung - cầu hàng hoá tiếp tục được đảm bảo. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư, mua sắm lớn của người dân đều chững lại do tháng này là tháng 7 âm lịch (người dân thường kiêng kỵ những việc lớn); tình hình dịch bệnh trên vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm của các hộ chăn nuôi… Điều đó tác động gián tiếp đến thị trường thực phẩm, thị trường vật liệu xây dựng… Nhờ tăng cường kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả tại các tỉnh biên giới nên áp lực hàng trong nước cho thị trường giảm hẳn, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ mạnh như vải, quần áo, đồ chơi chuẩn bị dịp Tết Trung thu.
Để phục vụ năm học mới, các sản phẩm giấy vở, đồ dùng học tập sản xuất trong nước chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn tiết kiệm chi tiêu hiện nay. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 8 ước đạt 157,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 7; tính chung 8 tháng ước đạt 1.224,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ tăng 3,9%)./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=476498