Ủng hộ lập hiệp hội người chăn nuôi

14/09/2011

NTNN đã có loạt bài đề cập tình trạng nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi đang đổ xô đi “làm thuê” (nuôi gia công) cho doanh nghiệp nước ngoài và bị chèn ép về lợi ích. Tiếp tục vấn đề này, PV đã trao đổi với ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam.

Lợi nhuận mà người nuôi gia công cho CP hiện chỉ đạt 3 - 4% trên giá heo công ty bán ra thị trường. Thực tế có đúng như vậy?
- CP đang có 2 hình thức hợp tác với người chăn nuôi. Thứ nhất là hình thức chăn nuôi gia công. CP đầu tư con giống, thuốc, vaccin thức ăn chăn nuôi (TACN) vận chuyển… Thứ hai, CP thuê chuồng trại của người dân và trả tiền thuê ổn định theo định kỳ hàng tháng cho người dân.
Một cơ sở chăn nuôi heo ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, An Giang.
 
Trong cả hai hình thức, nông dân đều không phải chịu rủi ro trong quá trình hợp tác chăn nuôi. Trong khi đó, CP phải gánh chịu hoàn toàn mọi rủi ro của thị trường, dịch bệnh, giá TACN, con giống, thuốc, vaccin, vận chuyển... tăng hàng ngày. Khi giá vật liệu xây dựng tăng, CP cũng điều chỉnh giá gia công để chia sẻ với nông dân. Người nông dân nên hiểu những điều này để cảm thông cho công ty.
Vấn đề quan trọng là CP có thể nâng thêm tỷ lệ ăn chia cho người chăn nuôi Việt Nam?
- Việc tăng giá gia công là điều mà chúng tôi rất trăn trở. Tăng giá gia công thì dễ nhưng tới khi nguồn cung lớn hơn cầu thị trường, công ty cũng đâu thể giảm giá gia công từ người dân.
Về các mô hình nuôi gia công, người chăn nuôi chỉ cần lo nuôi tốt, giảm chi phí và tăng năng suất để đạt hiệu quả kinh tế cao, mọi rủi ro sẽ do công ty chịu trách nhiệm. Khi đó, nông dân chắc chắn sẽ có thu nhập ổn định.
Theo tính toán của CP, xây dựng một trang trại 2.400 heo nái với vốn đầu tư khoảng 24 tỷ đồng, nếu cho CP thuê, chủ trang trại sẽ được trả hàng tháng 560 triệu (6,7 tỷ đồng/năm). Sau khi trả hết vốn và lãi suất cho ngân hàng thì đây sẽ là khoản thu nhập rất lớn đối với nông dân.
Ngoài ra, sau khi hết hợp đồng, khi nông dân đã học hỏi được những kỹ thuật chăn nuôi của CP và có thể tự chăn nuôi. Khi đó, CP vẫn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ người chăn nuôi (tư vấn con giống, kỹ thuật, TACN, thuốc, vaccin, tiêu thụ...).
“Thật sự rất khó khăn để làm vừa lòng cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Nếu bà con vẫn còn thắc mắc, CP sẵn sàng mời mọi người đến cùng bàn xem giá bán nào cho phù hợp.” - Ông S.Jiumjaiswanglerg
Người chăn nuôi muốn thành lập hiệp hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp của mình để đàm phán, hợp tác bình đẳng hơn với CP. CP có ủng hộ ý tưởng đó?
- CP rất ủng hộ. Vì nếu hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc trung thực và công bằng thì hiệu quả sẽ rất cao. CP cũng biết sang năm 2015, Việt Nam sẽ là thành viên khối mậu dịch tự do ASEAN. Khi đó, các hoạt động kinh doanh trong nước phải vững mạnh thì mới có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Do đó, hiệp hội cần phải có trách nhiệm với người chăn nuôi, cũng có quyền giúp người chăn nuôi lựa chọn doanh nghiệp mang lại lợi nhuận cao nhất để hợp tác. Có thể ví việc hợp tác giữa người chăn nuôi và công ty như vợ - chồng, phải biết chia sẻ, cảm thông và cùng tìm hướng giải quyết khi xảy ra xích mích.
Có ý kiến là CP cung cấp heo giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, và bao tiêu đầu ra cho hàng triệu hộ nuôi, nên có thể chi phối thị trường thịt heo?
- Hiện nay CP cung cấp khoảng 5% heo hơi trên 30 tỉnh, thành cả nước và mỗi ngày CP đều cung cấp thịt heo theo số lượng mà thị trường yêu cầu. Nhiều khi CP rất thiệt thòi trong việc bán heo ra thị trường, tiêu chuẩn xuất chuồng của CP là heo phải đạt 100kg. Thế nhưng khi giá heo tăng, người chăn nuôi giữ heo lại chờ tăng thêm giá thì CP vẫn bán hết khả năng, bán cả heo chưa đạt trọng lượng với giá rẻ để cung cấp cho đủ nhu cầu thị trường. Tới khi giá heo giảm, các hộ chăn nuôi bán tháo heo nhằm thu hồi vốn thì CP lại nhường thị trường cho nông dân.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác