Ban hành tiêu chí mới về cấp giấy chứng nhận KTTT: Cách nhìn mới

14/09/2011

Từ những bất cập của tiêu chí xác định kinh tế trang trại (KTTT) được ban hành cách đây gần một thập niên, ngày 13/4/2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT về tiêu chí mới đối với KTTT được cấp giấy chứng nhận.

Cách nhìn mới về KTTT
Theo Thông tư số 27, đối tượng được cấp giấy chứng nhận KTTT là cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí KTTT. Trang trại được chia làm 05 loại gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tổng hợp. Các trang trại chuyên ngành là trang trại có tỷ trọng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại trong năm. Trường hợp không có ngành nào chiếm trên 50% thì được gọi là trang trại tổng hợp. Chủ trang trại đạt tiêu chí được hưởng chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định hiện hành.
Một trang trại nuôi gà ở huyện Hớn Quản (Bình Phước).
 
Điểm mới của tiêu chí lần này là, đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải đạt diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu là 3,1ha đối với vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và 2,1ha đối với các tỉnh còn lại; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31ha và giá trị sản lượng hàng hóa đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.
Tiêu chí xác định KTTT được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, ổn định trong thời gian tối thiểu 5 năm.
Tính đến trước thời điểm có tiêu chí mới về trang trại, tỉnh Trà Vinh có 1.820 trang trại. Trong đó, có 303 trang trại trồng cây hàng năm, 151 trang trại chăn nuôi, 1.265 trang trại nuôi trồng thủy sản và 101 trang trại tổng hợp. Trung bình mỗi trang trại thủy sản có 4,18ha mặt nước, trang trại chăn nuôi heo có 50 - 60 con, vốn đầu tư cho mỗi trang trại khoảng 90 triệu đồng. Giá trị hàng hóa dịch vụ từ các trang trại đạt khoảng 226,835 tỷ đồng/năm (chiếm gần 2% tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh), bình quân đạt 125 triệu đồng/trang trại.
Ông Trần Trung Hiền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh cho biết: "Sau khi ban hành tiêu chí mới về KTTT, những trang trại trước đây sẽ khó đáp ứng đủ tiêu chí mới, bởi phần lớn các mô hình KTTT của tỉnh có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không cao và thiếu tính cạnh tranh (quy mô trang trại bò khoảng 10 con, trang trại heo 60 con). Hiện, toàn tỉnh có khoảng 10% số trang trại đủ điều kiện, chủ yếu ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tiêu chí KTTT mới sẽ có tác động rất lớn tới việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, ở loại hình mới lần này đòi hỏi chủ trang trại phải có năng lực tốt để điều hành theo cơ chế thị trường".
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, để mô hình KTTT phát huy hiệu quả, ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ trang trại lập quy hoạch thiết kế trang trại, vay vốn với lãi suất ưu đãi, tăng nguồn vốn đầu tư cho vay trung và dài hạn. Nhà nước phải là cầu nối giúp đỡ trang trại trong việc liên kết với doanh nghiệp chế biến và ngân hàng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Các địa phương cần quy hoạch sử dụng đất làm trang trại một cách cụ thể cho từng vùng để phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng. Đồng thời, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các địa phương có mô hình KTTT xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Chủ trang trại được lợi gì?
Theo quy định của Nhà nước, khi được cấp giấy chứng nhận KTTT, chủ trang trại sẽ được hưởng các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, lao động. Cụ thể, về chính sách đất đai, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sống tại địa phương có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để mở rộng sản xuất thì ngoài phần đất đã được giao trong hạn mức còn được UBND xã xét cho thuê đất để phát triển. Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê lại quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác để phát triển trang trại theo quy định của pháp luật về đất đai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hộ gia đình, cá nhân đã được giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vượt quá hạn mức sử dụng đất trước ngày 01/01/1999 để phát triển trang trại thì được tiếp tục sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về chính sách thuế, để khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển KTTT, nhất là ở những vùng đất trống đồi núi trọc, bãi bồi, đầm phá ven biển, thực hiện miễn thuế thu nhập cho trang trại, miễn giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai khi thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá để trồng rừng sản xuất, trồng cây lâu năm và khi thuê diện tích ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
Về chính sách tín dụng, trang trại phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Về chính sách lao động, nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, ưu tiên sử dụng lao động của hộ nông dân không đất, thiếu đất sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo thiếu việc làm. Chủ trang trại được thuê lao động không hạn chế về số lượng; trả công lao động trên cơ sở thoả thuận với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Chủ trang trại phải trang bị đồ dùng bảo hộ lao động theo từng loại nghề cho người lao động và có trách nhiệm với người lao động khi gặp rủi ro, ốm đau trong thời gian làm việc theo hợp đồng lao động.
Về chính sách khoa học, công nghệ, môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch đầu tư phát triển các vườn ươm giống cây nông, lâm nghiệp và các cơ sở sản xuất con giống (chăn nuôi, thuỷ sản) hoặc hỗ trợ một số trang trại có điều kiện sản xuất giống để bảo đảm đủ giống tốt, giống có chất lượng cao cung cấp cho các trang trại và hộ nông dân trong vùng. Khuyến khích chủ trang trại góp vốn vào quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, liên kết với cơ sở khoa học, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và làm dịch vụ kỹ thuật cho nông dân trong vùng.
Về chính sách thị trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp trang trại định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước hỗ trợ việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới cơ sở công nghiệp chế biến ở các vùng tập trung, chuyên canh, hướng dẫn việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản hàng hoá của trang trại và nông dân trên địa bàn. Khuyến khích phát triển chợ nông thôn, các trung tâm giao dịch mua bán nông sản và vật tư nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận và tham gia các chương trình dự án hợp tác, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp Nhà nước với chủ trang trại, hộ nông dân. Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích chủ trang trại xuất khẩu trực tiếp sản phẩm mua gom của trang trại khác, của các hộ nông dân và nhập khẩu vật tư nông nghiệp.
Về chính sách bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại, tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của trang trại không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, Nhà nước cần thu hồi đất được giao, được thuê của trang trại thì chủ trang trại được thanh toán hoặc bồi thường theo thời giá tại thời điểm công bố quyết định thu hồi.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những quy định "rất chung" của Nhà nước nhưng chưa được áp dụng nhiều vào thực tế. Có nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả của KTTT cần được xem xét thêm dưới góc độ hàm lượng khoa học kỹ thuật công nghệ được áp dụng trong sản xuất và hiệu quả kinh tế trên từng vùng đất, quy mô sản xuất tập trung và quy hoạch những vùng nguyên liệu ổn định thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay.
Có thể việc được công nhận trang trại có ý nghĩa rất lớn trong việc sản xuất của người dân, tạo động lực cho người sản xuất nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, liên kết và hình thành mô hình khép kín từ khâu giống, thức ăn, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng việc đưa ra các tiêu chí mới về trang trại mà chưa có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể về vốn lẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững thì người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với trang trại và KTTT chưa thể phát huy hết sức mạnh, tiềm năng của nó.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/9/30187.html


Tin khác