3 khâu đột phá để phát triển ngành nông nghiệp

12/09/2011

Làm việc với UB Kinh tế của Quốc hội cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngành nông nghiệp sẽ vẫn tiếp tục phấn đấu là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, trong đó thực hiện bằng được 3 khâu đột phá: Thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, phát triển khoa học công nghệ và xây dựng hạ tầng nông thôn.

Nông dân nuôi trồng thủy sản ngày càng thu nhập cao
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp thời gian qua liên tục gặp khó trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, rét lạnh kéo dài ở miền Bắc, mưa ít gây hạn hán trên diện rộng, nước mặn xâm nhập tại các cửa sông ở ĐBSCL, giá cả các loại hàng hóa, vật tư đầu vào cho sản xuất như xăng dầu, điện, phân bón, thuốc BVTV… tăng cao, cộng với nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức này, tốc độ tăng GDP toàn ngành 6 tháng đầu năm khoảng gần 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông lâm thủy sản tăng hơn 2%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 107 nghìn tỷ đồng.
Trong phương hướng phát triển ngành đến năm 2015, theo Bộ trưởng, ngành NN-PTNT phải xây dựng được một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. “Một mục tiêu quan trọng hơn cả, đó là từng bước xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch. Xã hội nông thôn phải ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường, đó mới chính là thành công của chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Để làm được điều này, theo Bộ trưởng, cần chú trọng thực hiện tốt 3 khâu đột phá, đó là thúc đẩy đầu tư toàn xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là xây dựng những vùng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao tay nghề và trình độ thâm canh cho nông dân. Ngoài ra, hạ tầng nông thôn cũng phải từng bước được xây dựng. “Trước đây chúng ta chú trọng đầu tư hạ tầng cho cây lúa, nên năng suất mới tăng và lượng XK ngày một nhiều như vậy. Nay cần tiếp tục đầu tư, nhưng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang lĩnh vực thủy sản, cây công nghiệp…”, Bộ trưởng nói.
Thay mặt UB Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UB, cho rằng, ngành nông nghiệp nhiều năm trở lại đây đạt nhiều thành tích, trong khi cả nền kinh tế đang phải nhập siêu, thì nông nghiệp lại xuất siêu. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tỏ rõ vai trò trong việc giúp Chính phủ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB, lại băn khoăn với mục tiêu đề ra của ngành nông nghiệp liệu có đạt được, bởi lẽ, nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng, nông dân được lợi, nhưng nó lại làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Như vậy, làm thế nào để hài hòa lợi ích của các bên, góp phần kiềm chế lạm phát?
Những mục tiêu của ngành đến năm 2015
Phục hồi tăng trưởng, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản bình quân 2,8-3%/năm. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP cả nước chiếm 17-18%. Hằng năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn. Thu nhập của nông dân tăng 2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 2%, có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 42-43%.
Một vấn đề nữa mà UB Kinh tế quan tâm, đó là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, việc hỗ trợ cho ngư dân tổ chức đánh bắt xa bờ thế nào để đảm bảo mục tiêu kim ngạch XK thủy sản vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng. “Ngoài ra, từ trước đến nay, việc đầu tư trong nông nghiệp đang bị lệch, đó là chúng ta đầu tư quá nhiều cho thủy lợi. Nghịch lý ở chỗ, có vẻ chúng ta đang mang tư duy của miền Bắc áp dụng cho thủy lợi miền Nam, nhất là việc cứng hóa kênh mương. Việc này rõ ràng không hiệu quả”, ông Kiên phân tích.
Lý giải những băn khoăn trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực rộng, do vậy, có lúc, có nơi việc chỉ đạo sản xuất, thúc đẩy đầu tư còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, nhìn toàn cục thì ngành nông nghiệp vẫn hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra. “Nhìn thẳng vào thực tế để chỉ đạo, đôn đốc và thực hiện rốt ráo những mục tiêu là phương châm làm việc của ngành nông nghiệp. Kinh nghiệm chỉ đạo nhiều năm của Bộ và các địa phương, sự nỗ lực của nông dân cả nước sẽ tạo nên những thành công mới cho ngành trong thời gian tới”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

Tin khác