Trồng cà phê chè, mau chóng vươn lên giàu có

19/09/2011

Chúng ta biết rằng, trên thị trường thế giới chỉ có hai loại cà phê được tiêu dùng và buôn bán chủ yếu là cà phê vối và cà phê chè. Cả hai loại đều có xuất xứ từ châu Phi xa xôi.

Tuy nhiên, giá cà phê vối bao giờ cũng thấp hơn cà phê chè, có khi tới hai lần. Vậy, tại sao người ta lại không trồng toàn cà phê chè?
Trên đường lên Điện Biên, chúng tôi dừng chân để thăm một gia đình nông dân trồng cà phê chè ngay bên đường. Chị chủ nhà cho biết, vạt cà phê này mỗi năm cũng có thể thu được 100 triệu đồng. Tôi thực sự ngạc nhiên và ngoái nhìn lại nương cà phê của chị. Nó có lẽ chỉ khoảng 1.000m2. Trong lúc đó, nhiều vạt đất quanh đấy vẫn chỉ có ngô và sắn. Rõ ràng, đây là vấn đề cần bàn với bà con ở những vùng có đủ điều kiện để trồng cà phê chè.
Thu hoạch cà phê chè.
 
Chúng ta biết rằng, trên thị trường thế giới chỉ có 2 loại cà phê được tiêu dùng và buôn bán chủ yếu là cà phê vối và cà phê chè. Cả hai loại đều có xuất xứ từ châu Phi xa xôi. Tuy nhiên, giá cà phê vối bao giờ cũng thấp hơn cà phê chè, có khi tới 2 lần. Vậy, tại sao người ta lại không trồng toàn cà phê chè?
Vì rằng, đất trồng cà phê chè đòi hỏi ở những độ cao hợp lý, có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ thích hợp là từ 15-24oC; có lượng mưa tối thiểu từ 1.200-1.900mm/năm nhưng phải có vài tháng khô hạn sau khi thu hoạch để cà phê chè tích lũy hoócmôn và phân hóa mầm hoa; độ ẩm không khí chỉ cần ở mức 70%, nó chịu lạnh khá nhưng chịu nóng kém...
Mặt khác, cà phê chè rất mẫn cảm với bệnh gỉ sắt. Bệnh này do nấm gây ra. Chúng tạo thành các vết bệnh hình tròn và có một lớp bột phấn màu vàng nhạt sau đó chuyển thành màu da cam ở dưới mặt lá. Bệnh này làm cho cây cà phê rụng lá và giảm năng suất rõ rệt. Nếu bệnh nặng, cây có thể rụng hết lá rồi khô cành và chết. Bệnh lan rất nhanh ra cả nương cà phê. Nhiều gia đình đã mất trắng và không dám trồng lại cà phê chè nữa.
Ở Việt Nam, một số vùng ở Tây Nguyên (như ở Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Lăk) có độ cao trên 800m và một số vùng trung du và miền núi phía Bắc (như Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái...) có độ cao trên 500m có thể trồng được cà phê chè.
Vấn đề quan trọng nhất là ta phải tìm được các giống cà phê chè vừa cho năng suất cao vừa có khả năng chống lại bệnh gỉ sắt.
Trước đây, có nhiều giống cà phê chè như giống Typica, Bourbon, Caturra được trồng ở Lâm Đồng, Nghệ An, Sơn La... nhưng chúng bị bệnh gỉ sắt và đục thân rất nặng. Dần dần, bà con cũng bỏ chúng đi. Chỉ còn lại giống Catimor là được trồng phổ biến. Giống Catimor là giống được lai giữa giống cà phê Caturra và giống Hybrid de Timor. Nó có khả năng chống lại bệnh gỉ sắt. Đó là thành công tuyệt vời của các nhà khoa học. Sau này, các nhà khoa học còn tạo ra tiếp các giống TN1, TN2 có khả năng kháng bệnh cao mà chất lượng lại tốt hơn. Các giống này còn có sức chịu hạn và kháng sâu bệnh cao hơn các giống cũ.
Trên thế giới, người ta gọi cà phê chè là cà phê Arabia. Arabia là vùng cao nguyên ở Yemen - nơi từ thế kỷ 14 người ta đã bắt đầu trồng cà phê chè. Từ đấy, cà phê chè lan ra nhiều vùng trên thế giới.
Sự chênh lệch biên độ nhiệt giữa ngày và đêm càng cao thì chất lượng cà phê càng tốt. Người ta cho rằng, ban ngày nhiệt độ cao sẽ thúc đẩy sự tích lũy vật chất. Còn ban đêm nhiệt độ càng thấp càng giảm sự phân ly vật chất. Do đó ở những vùng này, cà phê có chất lượng cao hơn.
Ở chúng ta, có rất nhiều vùng trồng được cà phê chè. Hiện nay, đã có những giống cà phê chè rất tốt, đủ sức kháng được bệnh gỉ sắt và cho chất lượng cao.
Nếu trồng được cà phê chè, chắc chắn bà con ta sẽ mau chóng vươn lên giàu có.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác