Bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững của nông nghiệp, nông dân, nông thôn

16/09/2011

Ngày 15/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tạí buổi làm việc.
 
Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong 3 năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đã sớm triển khai Nghị quyết; chú trọng công tác tuyên truyền, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, người dân. Các bộ, ngành đã nhanh chóng xây dựng triển khai nhiều cơ chế, chính sách để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đến nay, sau một thời gian triển khai Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ trong khu vực nông thôn năm 2010  chiếm xấp xỉ 60%. Nền nông nghiệp đang được phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nông nghiệp, nông thôn đã vượt qua khó khăn, duy trì được tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế – xã hội đất nước. Năm 2009, nông nghiệp nước ta đạt mức tăng trưởng GDP là 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%; bình quân cả giai đoạn 2006-2010 đạt 3,36%, vượt so với mục tiêu 3,2%/năm của Nghị quyết Đại hội X đề ra.
Tất cả các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD; riêng 8 tháng đầu năm 2011 đạt 16 tỷ USD; đã có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: Thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su, cà phê, hạt điều. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư mạnh mẽ cả về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện...
Về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 5/2011, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 84,7% cấp huyện và 52% cấp xã. Các bộ, ngành đã ban hành 25 văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong năm 2011, Chính phủ đã bố trí 1.600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho Chương trình để tập trung vào 5 nội dung gồm: Quy hoạch, đào tạo, tuyên truyền, phát triển sản xuất và xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhiều địa phương đã chủ động bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các xã. Việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo bước đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn được chú trọng triển khai.
Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được quan tâm. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quốc tế đánh giá cao. Chính phủ cũng đã tập trung hỗ trợ 62 huyện nghèo nhất để giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, cho đến nay, một số nhiệm vụ và giải pháp về điều chỉnh cơ chế chính sách đã được nêu ra trong Nghị quyết cũng như trong Chương trình hành động của Chính phủ triển khai còn chậm, chưa đúng tiến độ và thiếu đồng bộ. Tính đến tháng 6/2011, còn 14/45 chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ chưa được phê duyệt (chiếm 31%).
Nguyên nhân là do việc tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Một số chủ trương đã ban hành nhưng thực hiện còn ít do thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nhân lực tương ứng hoặc do không quyết liệt trong triển khai thực hiện, thiếu kiểm tra, đôn đốc.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đều đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của nông nghiệp, nông thôn, nông dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước; khẳng định quan điểm: phát triển nông nghiệp toàn diện là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản và nông dân đóng vai trò chủ thể; đồng thời tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ, cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW trong giai đoạn tới. Nhiều vấn đề nổi lên từ thực tiễn đã được tập trung phân tích, thảo luận như: quy hoạch sử dụng đất đai, tích tụ ruộng đất, tăng cường liên kết nhằm phân phối lợi ích hài hòa, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm thực thi các cơ chế chính sách phù hợp, việc huy động các nguồn lực đầu tư, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết mọi mặt, tạo các điều kiện cần thiết để người nông dân phát huy vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các chính sách an sinh - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh mà hạt nhân là các tổ chức cơ sở Đảng... 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần đảm bảo các điều kiện và môi trường sống cho nông dân; Đồng thời huy động các nguồn lực: Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân… trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết để 5 năm sau, tạo bước đột phá và 10 năm sẽ có sự thay đổi căn bản, toàn diện trong khu vực nông thôn như trong Nghị quyết đã nêu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nghị quyết số 26-NQ/TW là một Nghị quyết quan trọng, đã đề ra các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở nước ta. Mặc dù mới triển khai được 3 năm, nhưng với sự đồng tâm nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân ta, sự ráo riết quyết liệt chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã mang lại những kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và toàn diện, mặc dù dân số tăng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm, nhưng nước ta vẫn bảo đảm được an ninh lương thực và xuất khẩu ngày càng tăng. Nông dân phấn khởi vì được mùa, được giá; đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện. Xây dựng nông thôn mới đang trở thành phong trào sôi nổi trong cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp tuy giảm, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, nông nghiệp càng khẳng định được vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. 

Đánh giá cao những kết quả bước đầu đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nội dung quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra. Muốn vậy, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo ráo riết, quyết liệt các cấp ủy Đảng; tăng cường quản lý của Nhà nước; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực; sự hưởng ứng tích cực và chủ động sáng tạo của người dân với những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả. 

Tổng Bí thư yêu cầu: Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về tiềm năng thế mạnh và triển vọng phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta, trong đó người nông dân cần phát huy vai trò chủ lực. Các chương trình, kế hoạch, đề án đã đề ra, cần được tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành; những nội dung chưa hợp lý cần phải được điều chỉnh; đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện, sơ kết, tổng kết để nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về cơ chế chính sách, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam không ngừng phát triển. Việc nâng cao vai trò chủ thể của người nông dân không chỉ là đơn thuần là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, mà đây còn là vấn đề mang tính chiến lược, nhằm xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trước mắt phải tập trung vào những việc cần làm để không ngừng cải thiện đời sống mọi mặt của người nông dân và tăng cường phát huy dân chủ. 
Quanh cảnh buổi làm việc.
 
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải làm tốt công tác quy hoạch đất đai, trước hết quy hoạch ở tầm vĩ mô, trên cơ sở đó quản lý, sử dụng đất đai theo đúng quy hoạch; xác định cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh ở từng địa phương; thực hiện xã hội hóa để thu hút các nguồn lực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, bố trí đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư. 

Về xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi..., cần chú ý phát triển hạ tầng xã hội: trường học, trạm xá, bảo vệ môi trường sinh thái..., bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững của nông thôn Việt Nam. Tổng Bí thư nhắc nhở, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, cần phải được thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, với quyết tâm và nỗ lực cao, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30012&cn_id=479002


Tin khác