Chính sách tín dụng phục vụ tam nông: Phao cứu sinh cho dân nghèo

16/09/2011

Nói đến Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng mới, người dân xã Phú Tân, huyện Phú Tân, Cà Mau hầu hết đều... ngơ ngác. Bởi dân ở xã nghèo này chỉ quen gọi Nghị định 41 bằng cái tên rất riêng của họ: Nghị định “cứu mạng”.

Theo Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kể từ ngày 1.6.2010, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Nhờ nghị định 41, hàng trăm nông dân nghèo ở Phú Tân mắc nợngân hàng đang trong tình trạng mất khả năng chi trả như vớ được phao cứu sinh bởi được vay thêm vốn tái sản xuất, phát triển kinh tế
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Phú Tân Trần Thanh Nghĩa (thứ ba từ phải sang) bàn chuyện làm ăn cùng nông dân ấp Đường Cày.
 
Lội “sạt bờ” đòi nợ
Ông Trần Văn Phương - Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân kể lại: Từ năm 2010 trở về trước, các cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Phú Tân (thuộc Chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Phú Tân, Cà Mau) gần như “ăn dầm nằm dề” tại xã để vận động người dân trả nợ. Thời điểm này, toàn xã Phú Tân có gần 5.500ha mặt nước nuôi tôm quảng canh.
“Người dân được vay mỗi hộ 20 - 30 triệu đồng để sản xuất. Tuy nhiên, do thu nhập từ nuôi tôm quảng canh rất bấp bênh, vài ngày mới “thu hoạch” một lần với sản lượng rất thấp nên hầu như chỉ đủ bán để chạy tiền chợ. Bởi vậy nhiều người dân cứ tới kỳ đáo hạn ngân hàng phải chạy vay tín dụng đen bên ngoài để trả ngân hàng.
Ông Lâm Quang Triều - Trưởng ấp Đường Cày, xã Phú Tân kể lại, ông cùng Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Phú Tân - Trần Thanh Nghĩa, và các cán bộ tín dụng “lội sạt bờ” đến từng hộ dân để tìm hiểu khó khăn cũng như vận động dân trả nợ nhưng không có hiệu quả.
“Dù đi vận động như vậy nhưng bản thân tôi cũng nợ mấy chục triệu mà không có khả năng chi trả. Tôi kêu mấy anh ngân hàng cứ lấy đất tôi đem phát mãi nhưng họ nói bất đắc dĩ lắm mới phải làm chuyện đó”…
“Phao cứu sinh”
Ngay sau khi Nghị định 41 ra đời, Agribank Cà Mau đã khẩn trương triển khai. Các cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Phú Tân đã nhanh chóng tiếp cận với những “con nợ” của mình để bàn chuyện vay vốn theo chính sách mới nhằm “làm lại từ đầu”.
Ông Trần Khắc Tân – Giám đốc Agribank Chi nhánh Phú Tân khẳng định: “Nông dân mình chẳng ai muốn quỵt nợ đâu. Chẳng qua họ rơi vào thế bí nên đành chịu cảnh nợ dai. Chúng tôi đã rà soát từng trường hợp và tạo điều kiện để bà con vay vốn làm ăn”.
Nhờ Nghị định 41, hàng trăm nông dân nghèo ở Phú Tân mắc nợ ngân hàng đang trong tình trạng mất khả năng chi trả như vớ được phao cứu sinh bởi được vay thêm vốn tái sản xuất, phát triển kinh tế…
Ngay sau khi nguồn vốn này được triển khai, xã Phú Tân được “rót” về 15 tỷ đồng cho nông dân vay để tái sản xuất. Ông Trưởng ấp Lâm Quang Triều hồ hởi: “Nông dân ấp Đường Cày nhờ có nhiều dự án tốt nên được giải ngân đến 7 tỷ đồng. Nhiều hộ dân trong ấp có nguồn vốn mới nên mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghiệp, thu hoạch ngay vụ đầu tiền đã đủ tiền trả cả nợ cũ lẫn nợ mới. Một số nông dân làm giỏi như anh Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Chọn mỗi vụ thu lãi tròm trèm nửa tỷ đồng. Chẳng những trả xong nợ mà còn có tiền gửi ngân hàng”…
Nhiều nông dân ở xã Phú Tân cho biết, Nghị định 41 ra đời như chiếc phao cứu sinh giúp họ làm ăn và “thoát nợ” hiệu quả. Hiện toàn xã có 127ha mặt nước được đầu tư một cách bài bản để nuôi tôm công nghiệp.
Dẫn chúng tôi đi thăm vuông tôm đang chuẩn bị thu hoạch, nông dân Nguyễn Văn Lãm (ấp Đường Cày) phấn khởi: “Hồi đó tôi thế chấp đất, nợ tới 200 triệu đồng nhưng làm ăn thất bại nên tính chuyện… bán đất. Có Nghị định “cứu mạng” này, tôi được vay vốn tái sản xuất, vụ rồi lãi gần hai trăm triệu đồng. Vụ này còn một tháng nữa tôi sẽ thu hoạch, tiền lãi dự kiến sẽ dư sức trả nợ”.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/57880p1c34/phao-cuu-sinh-cho-dan-ngheo.htm


Tin khác