Giá gạo tăng tác động tới đời sống nhiều gia đình Việt Nam

16/09/2011

Đó là kết quả nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương (IRC) và Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO) tại hội thảo ““Tác động của khủng hoảng giá lương thực đến nghèo đói và phúc lợi hộ gia đình Việt Nam” diễn ra sáng 15-09-2011tại tầng 1, số 16 Thụy Khuê – Tây Hồ - Hà Nội.

Theo đó, tăng giá lương thực trong giai đoạn 2006 – 2008 đã làm tăng phúc lợi bình quân của các hộ gia đình ở Việt Nam thêm 7.5% chủ yếu là do tác động của việc tăng giá gạo. Tuy nhiên, chỉ có 37.4% số hộ gia đình ở Việt Nam được hưởng lợi từ sự tăng giá này và hầu hết các hộ gia đình này tập trung ở 2 vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất ở Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Các hộ được hưởng lợi từ việc tăng giá lương thực chủ yếu là các hộ không nghèo và họ có mức hưởng lợi cao hơn gấp 2 lần so với các hộ được hưởng lợi là các hộ nghèo. Tăng giá lương thực trong giai đoạn này nhìn chung đã làm tăng tỷ lệ nghèo ở Việt Nam thêm 2.1 điểm phần trăm.
          T.S Phạm Đức Tùng  trình bày báo cáo
 
Mặt khác, nó cũng làm cho chỉ số khoảng cách nghèo ở Việt Nam tăng thêm, mức sống của những hộ nghèo ở Việt Nam giảm đi đáng kể. Chịu tác động tiêu cực nhiều nhiều nhất là các hộ thâm hụt lương thực và là hộ nghèo hoặc cận nghèo ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Đông Nam bộ. Kết quả cũng cho thấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực vựa lúa của Việt Nam nhưng người nghèo ở đây lại chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá lương thực. Lý do chính là các hộ nghèo khu vực này chủ yếu là các hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất và làm thuê trong nông nghiệp.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tăng giá gạo trong giai đoạn 2006 - 2008 trong vai trò quan trọng trong việc tăng phúc lợi nói chung của các hộ gia đình ở Việt Nam, đặc biệt đối với các hộ sản xuất lúa lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giá gạo tăng đã làm tăng phúc lợi bình quân của các hộ gia đình ở Việt Nam lên 8.8% và làm giảm tỷ lệ nghèo ở Việt Nam 1,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, giá gạo tăng lại có tác động tiêu cực đến đời sống của các hộ vẫn là hộ nghèo, đặc biệt các hộ nghèo sống ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Đông Nam bộ. Nghiên cứu cũng cho thấy tác động của khủng hoảng giá lương thực có sự biến động rất lớn giữa các mặt hàng, các vùng và các loại hộ gia đình khác nhau.
Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích đặc trưng và phân bố của nhóm hưởng lợi và bị tác động và các chính sách mà Chính phủ có thể sử dụng làm giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng giá lương thực trong thời gian qua.
Phòng Truyền thông và ĐTCS - AGROINFO
 
 

Tin khác