Khi nước sạch về làng

16/09/2011

Năm 2005, Dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng” bắt đầu được khởi động tại 4 tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, và theo kế hoạch thì sẽ kết thúc vào năm 2013 (các tỉnh còn lại sẽ bắt đầu từ năm 2012 và kết thúc vào năm 2018).

Tại Thái Bình, dự án được giao cho Ban quản lý Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn của tỉnh làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ giao lại cho Cty CP Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn Thái Bình quản lý, khai thác để thu hồi vốn. Ông Vũ Ngọc Thái, Giám đốc BQL dự án, cho biết:
- Vì nội dung của dự án là đầu tư theo nhu cầu của người sử dụng, nên chỉ những địa phương nào có nhu cầu thì chúng tôi mới đầu tư. Có tổng cộng 30 xã trong tỉnh đã tham gia dự án này, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Kiến Xương và Vũ Thư. Huyện Tiền Hải có nhu cầu nhưng không có nguồn nước, các sông ở đó vừa ô nhiễm vừa mặn, không dùng làm nguồn được. Các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Thái Thụy do nước ngầm tốt nên nhu cầu của dân ít hơn.
Cho đến nay, dự án đã được triển khai tại 29/30 xã với 19 công trình cho cụm xã, liên xã và đơn xã, chỉ còn xã Việt Thuận (Vũ Thư), lý do là đã qua 3 lần đấu thầu nhưng vẫn chưa chọn được nhà thầu thi công công trình. Trong 29 xã đó, có 16 xã nước sạch đã về đến tận hộ gia đình, gần mười ngàn hộ dân đã được dùng nước sạch và đã đóng tiền sử dụng qua đồng hồ đo nước. Dự kiến đến tháng 12/2012, dự án sẽ hoàn thành, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch…
Với cơ chế đầu tư là Chính phủ lấy từ nguồn vay của Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ cho dự án 45%, cho chủ đầu tư vay 45% trong thời hạn 20 năm, số còn lại (10%) là dân đóng góp. Nói về sự đóng góp, ông Nguyễn Văn Hiền, trưởng thôn Dũng Nghĩa (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư), địa phương vừa được hưởng nước của dự án, rất phấn khởi:
- Theo dự toán ban đầu, mỗi khẩu chỉ phải đóng góp 161 ngàn đồng. Nếu có phải tăng do vật liệu đội giá, thì số đóng góp cho mỗi khẩu cũng chỉ lên tới 200 ngàn là cùng. Nhà tôi 4 khẩu, đã đóng 2 đợt, đợt một mỗi khẩu 61 ngàn, đợt hai mỗi khẩu 50 ngàn, là đủ so với dự toán ban đầu. Nếu có phải đóng thêm, cũng chẳng đáng bao nhiêu…
Trên dưới một triệu đồng cho mỗi hộ (từ 4 đến 6 người), chủ yếu là mắc đường ống từ ống nước đi qua trục xóm về nhà mình và lắp đồng hồ đo nước, mà lại đóng góp làm 3 đợt, là một mức đóng góp hoàn toàn có thể chấp nhận được. Mỗi đợt, nhiều hộ chỉ cần xách đôi gà ra chợ là xong. Với người dân nông thôn, từ bao đời nay vẫn chỉ đành “lấy nước làm sạch”, nhà kha khá mới có bể nước mưa chỉ dùng cho nấu cơm, còn thì tất tật là nước sông, nước ao hồ. Mươi năm trở lại đây, dù đã có nước giếng khoan nhưng cái giếng khoan với cái bể lọc thủ công vẫn chưa thể khiến họ yên tâm.
Bây giờ, mỗi khi mở vòi, thấy “nước dự án” tuôn ra xoe xóe, nước trong văn vắt, ai nấy đều cảm nhận được một sự thay đổi rất lớn lao. Ông Thái cho biết, chất lượng nước của dự án đã đạt chuẩn quy định của Bộ Y tế. Với mỗi công trình, trước khi phát nước đều phải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Chúng tôi hỏi ông Thái:
- Còn giá nước, thì hiện tại thế nào?
- Giá lúc đầu là 3.000 đồng/m3, hiện tại 5.000 đồng/m3, trong khi giá thành để sản xuất ra mỗi m3 nước thì cao hơn nhiều. Tuy nhiên, 5.000 đồng/m3 chỉ là giá tạm tính, chưa có khấu hao trong đó. Chờ khi nước sạch về đủ 30 xã, và dân đã dùng nước ổn định, doanh nghiệp mới trình giá chính thức lên UBND tỉnh xin phê duyệt.
Dòng nước sạch về làng, đã làm cho bộ mặt nông thôn văn minh hẳn lên.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/135/135/135/83840/Default.aspx


Tin khác