Nhiều hiệu quả tích cực từ hoạt động khuyến công ở các địa phương

19/09/2011

Trong lúc đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, đẩy mạnh hoạt động khuyến công ở các địa phương, đặc biệt là các vùng nông thôn có vai trò rất quan trọng, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện đáng kể đời sống người lao động. Ở nhiều địa phương, mô hình khuyến công đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Với nhiều chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tích cực triển khai các hoạt động khuyến công và đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2011, hoạt động khuyến công thành phố có nhiều kết quả khả quan, hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề, chương trình xúc tiến thương mại được triển khai sâu rộng.
Cụ thể, Trung tâm khuyến công đã triển khai 58 đề án khuyến công, bao gồm: 54 đề án đào tạo cho hơn 1000 lao động nông thôn các nghề: may công nghiệp, mây tre đan xuất khẩu, sơn mài xuất khẩu, cơ khí và thêu ren xuất khẩu; tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành doanh nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thuộc Hiệp hội Sơn mài Hà Nội, Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp Hà Nội.
Trung tâm khuyến công đã xây dựng Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí thực hiện 235 tỷ đồng được UBND thành phố phê duyệt, xây dựng chương trình khuyến công địa phương năm 2011 với 7 nội dung trọng tâm và xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2011.
Ngoài ra, Trung tâm khuyến công Hà Nội cũng đã tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của hoạt động khuyến công qua đó khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia, thụ hưởng những chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất. Với nhiều chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn hoạt động khuyến công đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Tại Hải Phòng công tác khuyến công đã trở thành động lực khuyến khích kinh tế của tỉnh phát triển và góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người lao động nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với nội dung đào tạo nghề, hoạt động khuyến công Hải Phòng luôn gắn công tác đào tạo với nhu cầu lao động, trước khi thực hiện đề án đào tạo Trung tâm khuyến công tỉnh luôn khảo sát nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… để điều chỉnh quy mô của đề án đào tạo cho phù hợp, nhờ đó, đã đem lại hiệu quả cao trong việc thực hiện đào tạo và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện hoạt động khuyến công Hải Phòng tiếp tục nhân rộng các mô hình, đề án khuyến công, nhưng không đầu tư một cách dàn trải mà hoạt động khuyến công sẽ phát triển theo chiều sâu, thực hiện các nội dung, đề án sát với thực tế địa phương và ưu tiên những đề án cần nhiều lao động.
Tại Bình Định, những năm qua, công tác khuyến công cũng đã từng bước được củng cố, phát triển và đạt hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2005-2010, từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (TTKC) đã hỗ trợ 9,25 tỉ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng các làng nghề truyền thống (LNTT). Ngoài ra, từ năm 2005 đến nay, các chương trình khuyến công của tỉnh cũng đã hỗ trợ 4,84 tỉ đồng để xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn. Phần lớn nguồn kinh phí được ưu tiên để thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống; du nhập và đào tạo nghề mới; hỗ trợ lập dự án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Trong đó, TTKC đã đầu tư trên 2 tỉ đồng tổ chức đào tạo và truyền nghề mới cho gần 4.000 lao động. Ngoài ra, TTKC còn hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ như: Chuyển giao kỹ thuật xử lý nước thải sau chế biến tinh bột mì tại làng nghề Bình Tân (Tây Sơn); xử lý nồng độ cồn trong rượu Bàu Đá (An Nhơn); xây dựng mô hình lò gạch nung liên tục kiểu đứng tại huyện Tây Sơn.
Ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc TTKC tỉnh, cho biết: Thông qua các chương trình khuyến công, nhiều ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn phát triển. Nếu như năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn chiếm tỉ trọng dưới 25% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, thì hiện con số này đã tăng lên gần 30%.
Tại Quảng Ninhsau 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và 3 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012, hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn.
Nhiều ngành nghề truyền thống đã bị mai một, nay từng bước được khôi phục dần và phát triển trở thành làng nghề. Hoạt động công tác đào tạo nghề, du nhập nghề mới cho lao động nông thôn từng bước gắn kết với doanh nghiệp, các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ được chú trọng và duy trì phát triển đã tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường, hỗ trợ tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập, khảo sát và tạo điều kiện để các cơ sở liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.
Mặt khác hoạt động khuyến công trong thời gian qua đã xoá được một số vùng trắng công nghiệp tại các huyện vùng cao biên giới, hải đảo như Bình Liêu, Cô Tô giúp các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn….
Tại Lào Cai, mới đây UBND tỉnh đã tổng kết công tác khuyến công giai đoạn 2006-2010, định hướng giai đoạn 2011-2015. Theo đó, giai đoạn 2006-2010 giá trị sản xuất Công nghiệp toàn ngành của tỉnh tăng bình quân là 23%/năm; số lao động làm việc trong toàn công nghiệp tăng bình quân 16,6 %/năm, đến năm 2010 số lao động trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn chiếm 25,7% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp. Kết quả giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) chiếm trong toàn ngành công nghiệp khá cao, cụ thể: năm 2006 đạt 115 tỷ đồng, chiếm 12,924% tỷ trọng giá trị sản xuất toàn ngành CN trên địa bàn toàn tỉnh; năm 2007 đạt 137 tỷ đồng chiếm 13,025%; năm 2008 đạt 159 tỷ đồng, chiếm 12,206%; năm 2009 đạt 176,5 tỷ đồng, chiếm 10,273%; năm 2010 đạt 281 tỷ đồng, chiếm 12,96% tỷ trọng giá trị sản xuất toàn ngành CN trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Đồng chí Nguyễn Thanh Dương – Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Muốn làm Khuyến công bền vững phải có Quy hoạch, có các Khu sản xuất TTCN, có làng nghề một cách bài bản, đưa vào sản xuất lâu dài. Khuyến các đối tượng nào? Khuyến các đối tượng theo nghị định của Chính phủ như các cá nhân, các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp hay gặp rủi ro, không được tiếp cận được với thị trường nhưng có nhu cầu sản xuất, có vùng nguyên liệu để sản xuất Công nghiệp của Nông nghiệp nông thôn ...”.
Được biết, hiện Lào Cai đã có định hướng công tác khuyến công giai đoạn 2011-2015, đó là sẽ huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp và dịch vụ khuyến công ở nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa; nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tập trung phát triển chiều sâu, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ; phát huy thế mạnh của các làng nghề thủ công truyền thống gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015: Giá trị sản xuất TTCN đạt 600 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt khoảng 25%; tạo việc làm mới cho 5.000 lao động với thu nhập từ 2 đến 3,5 Trđ/người/tháng. Góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa – xã hội ở nông thôn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai XIV.
Từ thực tế trên có thể thấy, công tác khuyên công đã và đang có vai trò quan trọng đối với các địa phương. Để công tác khuyến công hoạt động có hiệu quả hơn, trong thời gian tới các địa phương cần tập trung vào việc xây dựng, thực hiện các Chương trình, đề án khuyến công có trọng tâm, trọng điểm; Tập trung khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp toàn quốc, từng vùng và từng địa phương; ngoài ra, tăng cường liên kết trong vùng và liên kết vùng; tổ chức tốt các các nội dụng của chương trình khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=479155


Tin khác