Những phong trào đẩy nông dân xa đất: KKT ven biển và hiệu ứng phong trào

27/09/2011

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu và mạnh về biển, thời gian qua, hàng loạt dự án xây dựng khu kinh tế ven biển đã được thực hiện. Kể từ năm 2003 đến nay, cả nước đã có 15 khu kinh tế ven biển, sử dụng trên 660.000ha mặt đất và mặt nước biển, bằng khoảng 2% tổng diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ có khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) với Dự án Nhà máy lọc hóa dầu số 1 thể hiện rõ vai trò động lực, các khu kinh tế khác chưa phát huy hiệu quả.

Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất.
Nhiều nhưng yếu
Các khu kinh tế (KKT) ven biển được hình thành từ năm 2003 và được coi là một trong những động lực quan trọng để thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo quy hoạch, Việt Nam có 15 KKT ven biển và đang quy hoạch thêm 3 KKT nữa; hiện 40% vốn đầu tư của nước ngoài đã đầu tư vào các KKT này. Đây cũng là nơi thu hút các nguồn lực và tiếp thu công nghệ khoa học để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh, không những phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển KKT ven biển nhằm tạo động lực phát triển vùng và địa phương xem ra vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.
Theo ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số 15 KKT ven biển chỉ có KKT Dung Quất thể hiện rõ vai trò động lực. Một số khu đã có dự án lớn như Dự án Nhà máy ô tô Trường Hải của KKT mở Chu Lai (Quảng Nam); Dự án nhà máy lọc hóa dầu số 2, KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) hoặc Khu liên hợp gang thép của Tập đoàn Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhưng vai trò chưa rõ.
KKT ven biển đầu tiên của nước ta là Chu Lai được xây dựng từ năm 2003 nhưng đến nay mới thu hút, cấp phép được 66 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, trong đó có 45 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện 600 triệu USD.
Thậm chí, KKT Dung Quất-một hình mẫu được đánh giá là phát triển đồng bộ và thành công nhất tại Việt Nam cũng bắt đầu chững lại, loay hoay chưa tìm được hướng đi mới. Nhiều dự án quy mô hàng trăm triệu USD phải đình hoãn, kéo dài do khó khăn về tài chính, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng. Đến nay, KKT Dung Quất thu hút 112 dự án với tổng vốn đăng ký 8,3 tỷ USD, thế nhưng vốn thực hiện mới đạt 4,9 tỷ USD.
Nếu so với các khu công nghiệp trong cả nước, quy mô các KKT lớn gấp 10 lần nhưng đóng góp về chỉ tiêu sản xuất và nộp ngân sách thì KKT lại thấp hơn. Trong vài năm gần đây, tổng doanh thu hằng năm của các KKT khoảng 6 - 8 tỷ USD, đóng góp ngân sách 500 - 600 triệu USD/năm, chủ yếu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chính sách đầu tư cho KKT thời gian qua thực hiện theo kiểu "dàn hàng ngang mà tiến", không có điểm nhấn nên không tận dụng được các lợi thế địa lý, tài nguyên...
Trước thực trạng này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định, các KKT ven biển ra đời ồ ạt trong những năm qua đã tạo ra sự dàn trải đầu tư, phân tán nguồn lực và gây ra tình trạng cạnh tranh giành vốn quyết liệt giữa các địa phương. Hệ quả là, tầm nhìn phát triển KKT ven biển thấp, không tạo cơ sở cho sự phân công và liên kết phát triển hợp lý giữa các KKT. Hai lực lượng "chủ công" để phát triển hiệu quả các KKT biển là doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao lại bị thiếu hụt trầm trọng.
Ông Thắng nêu quan điểm, các KKT có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, hầu hết các KKT đều phát triển không được như kỳ vọng ban đầu. Việc quy hoạch, thành lập một số khu chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích quốc gia.
Cùng với tình trạng đầu tư phân tán, việc chưa có cơ chế chính sách ưu đãi mang tính đột phá, cụ thể, nhất quán áp dụng cũng là nguyên nhân khiến KKT phát triển chưa theo đúng mục tiêu đề ra và chưa thu hút được đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn và quan trọng.
Chọn 3 trong 15?
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 năm tới (2011-2015), nước ta sẽ thành lập KKT Năm Căn (Cà Mau), đồng thời quy hoạch mở rộng KKT Dung Quất; xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển từ 2-3 KKT ven biển mới, nâng tổng số các KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập lên con số 18 với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 740.000 - 760.000ha. Đến năm 2015, các KKT ven biển thu hút khoảng 1.000 - 1.100 dự án, trong đó có 450-500 dự án đầu tư nước ngoài và 550-600 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 45 - 47 tỷ USD và 240 - 260.000 tỷ đồng. Qua đó, các KKT ven biển đóng góp vào tổng GDP của cả nước khoảng 5% và tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 300.000 - 500.000 người. Đến năm 2020, Việt Nam vươn lên thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, phấn đấu kinh tế biển đóng góp từ 53 - 55% tổng GDP và 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Để làm được điều đó, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thời gian tới, từ Trung ương tới địa phương cần thống nhất quan điểm không nên phát triển thêm KKT mà cần tập trung cơ chế chính sách, nguồn lực để nâng hiệu quả các KKT đã thành lập, một số KKT có tiềm năng, lợi thế tạo động lực lan tỏa ra cả vùng. Tập trung nguồn lực, chọn những phân khúc nào có lợi thế nhất trong KKT để đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, KKT là lực hút mang tầm khu vực và quốc tế để tạo ra điểm nhấn trong thu hút đầu tư của quốc gia, cho nên phải phát triển theo hướng cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, thay vì tăng số lượng KKT, Chính phủ cần sắp xếp lại danh mục để chọn lọc, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho một số KKT có lợi thế, tránh tình trạng đi đâu cũng gặp KKT như hiện nay.
Theo nghiên cứu của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, với nguồn ngân sách đầu tư cho KKT hiện nay, để KKT ven biển phát triển thông thoáng, đúng tầm thì chỉ nên phát triển 3 khu.
Ông Thiên chia sẻ, có lẽ chỉ tập trung vào 3 KKT ven biển theo thể chế những KKT tự do, như thế mới có điều kiện tập trung nối với những lợi thế riêng của từng khu để có chức năng phù hợp. Ví dụ, tại miền Bắc thì chọn TP. Hải Phòng, cửa khẩu cho vùng Bắc Bộ, nối cả hành lang Tây Nam Trung Quốc. Miền Trung có Đà Nẵng - Huế nối với hành lang kinh tế Đông Tây. Miền Nam là Thị Vải - Cái Mép của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là những tọa độ lớn để hình thành những trung tâm - cực phát triển.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ: "Đề cập đến khái niệm KKT ven biển/hướng biển là cách chơi ở đẳng cấp cao của thế giới. Nhưng đã là đẳng cấp mà dàn hàng ngang ra tiến thì chắc là khó. Hơn nữa, nếu định coi 15 KKT ven biển hiện nay trở thành các "cực phát triển" mạnh ở duyên hải, tạo ra bán kính lan tỏa ảnh hưởng càng rộng càng tốt, đánh thức tiềm năng các khu vực xung quanh, kết nối không gian các mảng vào với nhau thì tôi cho rằng đầu tiên phải nhìn nhận về quy hoạch tổng thể. Tôi cho rằng, cùng lúc coi 15 đặc khu này có vai trò như thế thì lại mắc vào hội chứng cũ, vận hành theo cơ chế xin-cho. Chúng ta đã trải qua một thời đâu cũng xin nhà máy bia, đâu cũng xây nhà máy thuốc lá, cảng nước sâu,… Đến bây giờ là nơi nào có cảng nước sâu thì nơi đó lại có khái niệm KKT ven biển. Kiểu làm ồ ạt thế này đối với một đất nước có xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp là không hề khôn ngoan".
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác