|
BHNN đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước
|
Cụ thể, DN này được phép triển khai bảo hiểm cây lúa ở Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; bảo hiểm vật nuôi ở Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Dương, Hà Nội… và bảo hiểm thủy sản ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… Một quyết định tương tự cũng đã được Bộ Tài chính dành cho Bảo hiểm Bảo Việt. Hai DN này sẽ phối hợp phân chia địa bàn để triển khai các loại hình bảo hiểm nông nghiệp cho phù hợp với hoạt động của đơn vị mình.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 121/2011/TT-BTC hướng dẫn việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp…
Như vậy, về cơ bản, lộ trình pháp lý để thực hiện thí điểm chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã hoàn tất. Các DN bảo hiểm được lựa chọn thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp lần này cũng đang rốt ráo trong việc đăng ký địa bàn tham gia triển khai, đối tượng được bảo hiểm và xây dựng các sản phẩm bảo hiểm trên địa bàn. Theo Bộ Tài chính, đã có 4 tỉnh là Nam Định, Sóc Trăng, Bình Định, Trà Vinh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại địa phương. Bảo Minh cũng dự kiến trong tuần này sẽ họp để "gút" lại các sản phẩm bảo hiểm cho nông nghiệp sẽ triển khai trước.
Là một trong những DN đã từng triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp những năm trước và cũng đã gặp không ít khó khăn, đại diện Bảo Minh cho biết, những năm trước khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp, các DN phải tự nghiên cứu sản phẩm, tìm hiểu địa bàn và triển khai, nên khó khăn là hiển nhiên với loại hình mới này. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Nhà nước, việc triển khai lần này sẽ khả quan hơn nhiều. Chương trình thí điểm lần này, các DN bảo hiểm đều khá tự tin bởi đã có sự bảo trợ mạnh mẽ và nhất quán từ Chính phủ, các cấp, các ngành thông qua hỗ trợ phí bảo hiểm, sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Quyết định hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm bảo hiểm là cơ hội và điều kiện tiên quyết để triển khai thành công dự án, khi tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp đều được hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo đại diện Bảo Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay là giải thích cho người nông dân hiểu được ý nghĩa của việc mua bảo hiểm nông nghiệp. Trên thực tế, người nông dân thờ ơ với việc mua bảo hiểm nông nghiệp còn do giá cả đầu ra nông sản bấp bênh, khó xác định thu nhập để theo đó tính toán mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh.
"Công việc của các DN bảo hiểm được chọn làm thí điểm cũng đang còn hết sức ngổn ngang, vì dù có kinh nghiệm nhưng để triển khai một chương trình lớn như vậy là hết sức phức tạp. Do tính chất công việc bảo hiểm nông nghiệp quá rộng tại những địa bàn nông thôn, vùng xa, nên cần một nguồn nhân lực am hiểu nhất định…", đại diện Bảo Minh chia sẻ.
Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121 hướng dẫn về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương cũng sẽ phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình một cách chặt chẽ hơn. Thực tế, để tham gia và được hỗ trợ bảo hiểm thì nông dân phải sản xuất theo quy trình. Nếu sản xuất của nông dân không theo quy trình, để dịch bệnh tràn lan thì bảo hiểm cũng không thể có đủ kinh phí để đền bù. Các DN đã từng triển khai bảo hiểm nông nghiệp cũng gặp thất bại vì không thể khắc phục được vấn đề này.
Mặc dù trong thời gian đầu thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, các DN bảo hiểm sẽ linh hoạt xem xét các điều kiện khách quan hay chủ quan về việc nông dân sản xuất theo quy trình để bồi thường cho dân khi rủi ro xảy ra, nhưng về lâu dài, muốn bảo hiểm nông nghiệp thành công trên diện rộng thì phải dựa trên một nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và an toàn.
Theo Đầu tư chứng khoán
Nguồn:http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CGIJJD/bao-hiem-nong-nghiep-bat-dau--vao-guong.html