Mỹ luôn mở cửa cho hàng xuất khẩu Việt Nam

20/09/2011

Ông Suresh Kumar, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách xúc tiến thương mại, nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng các điều kiện về chất lượng, vì Việt Nam được chọn là một trong các thị trường ưu tiên trong Sáng kiến xuất khẩu quốc gia của chính quyền tổng thống Barack Obama.

 
Ông Suresh Kumar
Ông Kumar - cũng là Vụ trưởng Cơ quan Thương vụ Mỹ và nước ngoài đã trao đổi với báo chí về chính sách thương mại Mỹ với Việt Nam cũng như cơ hội để hai nước đẩy mạnh quan hệ đầu tư trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam vào ngày 19-9.
Ông có thể lý giải tại sao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh trong lúc Mỹ đang gặp nhiều thách thức về kinh tế, và phải chăng trong lúc khó khăn thì người tiêu dùng Mỹ tìm mua các mặt hàng có chất lượng và có giá cạnh tranh từ Việt Nam?
- Ông Suresh Kumar: Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới có mối liên kết chặt chẽ với nhau về kinh tế. Thách thức kinh tế không ảnh hưởng riêng một ai mà trên phạm vi toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ vào thị trường Việt Nam tăng 20% (trong năm 2010) và đây là dấu hiệu rất tốt. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Việt Nam gấp hơn 3 lần kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào thị trường này, và kim ngạch thương mại 2 chiều đang tăng lên đáng kể. Liệu có nhiều người tiêu dùng Mỹ mua sản phẩm của Việt Nam trong lúc khó khăn này không? Các số liệu trên chính là câu trả lời cho câu hỏi này.
Chúng tôi tiếp tục mở cửa thị trường cho các công ty từ Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới muốn tăng xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Chúng tôi muốn các công ty Việt Nam và cả công ty Mỹ hoạt động tốt. Do vậy, chúng tôi ủng hộ chính sách thị trường mở chứ không phải là hạn chế hàng nhập khẩu. Cần thiết phải có các quy định rõ ràng để giúp các hoạt động thương mại, kinh doanh được dễ dàng cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh doanh.
Vậy cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và các mặt hàng mới như trái cây vào thị trường Mỹ?
- Sáng nay, tôi đã đọc bài báo nói về hiện tượng dư thừa một số loại trái cây sản suất tại Việt Nam, và cần tìm thị trường cho các sản phẩm này. Thú thật, tôi không phụ trách lĩnh vực xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ nhưng tôi có thể nói rằng thị trường Mỹ luôn mở cho các loại trái cây đáp ứng điều kiện về chất lượng và quy định của thị trường chúng tôi.     
Ông dự báo thế nào về tình hình xuất khẩu các mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong thời gian sắp tới khi đã xuất hiện những dấu hiệu chững lại của mặt hàng này?
- Trong năm 2010, chúng tôi nhập 14,9 tỉ đô la Mỹ sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam và hàng dệt may chiếm đến 39%. Chúng tôi muốn tìm kiếm nhiều hơn nữa các sản phẩm dệt may từ thị trường này.
Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ?
- Tất nhiên là họ phải đáp ứng các quy định, điều kiện của thị trường. Điều này có nghĩa là họ phải tuân thủ các quy định về an toàn được công bố và áp dụng tại Mỹ, và nếu họ không hiểu rõ hay tuân thủ các quy định này thì sẽ gặp rắc rối. Chính phủ tạo ra một khung pháp lý chung để các doanh nghiệp tuân thủ khi thực hiện các hoạt động kinh doanh và do vậy các hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi chính các doanh nghiệp chứ không phải bởi chính phủ. Minh bạch hóa và tuân thủ các quy định là rất quan trọng, nhất là tại thị trường Mỹ. Chắc chắn là chúng ta đều không muốn các sản phẩm bị tiêu hủy vì vấn đề an toàn sản phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trẻ em.
Phải chăng vấn đề xuất siêu lớn với Việt Nam đã khiến Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường ưu tiên nhằm làm cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước?
- Chúng tôi để thị trường vận hành theo quy luật của nó và không muốn áp đặt cân bằng cán cân thương mại nhưng chúng tôi mong muốn Việt Nam mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, các công ty Mỹ có thể cung cấp công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam cần để thực hiện các dự án trong lĩnh vực này, gồm cả năng lượng tái tạo.
Tôi muốn nói thêm về số xuất siêu khoảng một tỉ đô la Mỹ/tháng của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay. Chúng tôi không muốn hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam và Mỹ cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi thương mại phát triển chứ không phải là khi thương mại bị hạn chế. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này và đồng thời mong muốn Việt Nam mở thêm thị trường cho các sản phẩm của Mỹ đáp ứng các nhu cầu, kế hoạch phát triển tại đất nước này. 
Ông Suresh Kumar cho biết vào cuối năm nay sẽ có đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định thương mại (BTA) và tăng lên 18,6 tỉ đô năm 2010.
Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 4,7 tỉ đô la Mỹ vào các dự án ở Việt Nam và hơn 500 doanh nghiệp Mỹ đã có hoạt động tại thị trường này. Các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư và cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Việt Nam gồm tài chính, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng sân bay, máy bay, giáo dục, y tế.
 
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/61475/My-luon-mo-cua-cho-hang-xuat-khau-Viet-Nam.html


Tin khác