Gom mía sớm để đảm bảo lợi ích cho nông dân

20/09/2011

Hiện, vùng nguyên liệu mía 16.000ha phía Đông tỉnh Gia Lai đang do 2 doanh nghiệp sản xuất mía đường là An Khê và Bình Định đầu tư, trong đó Công ty cổ phần Đường Bình Định đầu tư gần 5.000ha. Theo chu kỳ, vụ thu hoạch mía khởi động vào đầu tháng 11, song năm nay, Công ty cổ phần Đường Bình Định sẽ tiến hành gom mua mía sớm hơn 1 tháng.

 
Nông dân chăm sóc giống mía mới.
Ông Phan Lâm Tường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Bình Định cho biết: "Sau hơn một thập niên đầu tư trồng mới mía, chúng tôi nhận thấy sau tháng 3 trở đi, mía gốc thường bị chết hoặc phát triển kém. Hơn nữa, hiện bà con vùng nguyên liệu mía tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đang không ngừng mở rộng diện tích, nhiều hộ tận dụng cả quỹ đất vùng sâu, vùng xa để trồng mía. Trong khi đó, thời tiết mưa-nắng thất thường, vận chuyển khó khăn nên việc thu hoạch mía thường không đảm bảo chu kỳ, dẫn đến cây mía giảm năng suất, người trồng mía chịu thua thiệt. Đặc biệt, vùng nguyên liệu mía chưa thể áp dụng quy trình trồng rải vụ, hệ quả là vào thời điểm chính vụ, nông dân đồng loạt thu hoạch, nguyên liệu dồn về nhà máy gây sức ép cho cả người trồng mía và đơn vị gom mua. Để khắc phục tình trạng này, vụ mía năm nay, công ty quyết định gom mua sớm, không phải vì lợi ích của đơn vị mà cái chính là đảm bảo tối đa lợi ích cho nông dân".
Có ý kiến nghi ngờ việc gom mua mía sớm sẽ ảnh hưởng tới sản lượng mía và chữ đường. Về điều này, ông Tường khẳng định, sẽ không xảy ra, bởi mía vào thời điểm thu hoạch đã bước vào giai đoạn đảm bảo năng suất và chữ đường. Giá sàn gom mua mía và cơ chế hỗ trợ vận chuyển được Công ty xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía nên thu nhập vẫn đảm bảo. Hơn nữa, việc thu hoạch mía sớm sẽ giải phóng nhanh quỹ đất, giúp bà con có thể tận dụng đất để trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, đỗ, góp phần tăng thêm thu nhập.
Đồng thời, thu hoạch mía sớm sẽ giúp Công ty chủ động thực hiện lộ trình tăng năng suất mía trên một đơn vị diện tích đất canh tác thông qua công tác chuyển giao giống mía mới, cụ thể là 2.000 tấn giống mía mới VN84-4317 đến các hộ trồng mía trong vùng Công ty đầu tư.
Hiện, 30ha mía giống VN84-4317 trồng khảo nghiệm tại các huyện Kông Chro, Đắk Pơ và thị xã An Khê sinh trưởng, phát triển khá tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng Đông Gia Lai; quy trình thâm canh bình thường nhưng năng suất có thể đạt 70 - 100 tấn/ha, cao hơn 20-25% so với giống mía hiện tại; chữ đường đạt 11%. Ưu điểm của VN84-4317 là chín sớm, thuận lợi cho nông dân trồng rải vụ, giảm áp lực thu hoạch cho người trồng mía.
Cùng với chuyển giao giống mía mới, Công ty cổ phần Đường Bình Định đã khởi động dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào xây dựng mô hình canh tác mía theo hướng hiệu quả, bền vững tại thị xã An Khê, thực hiện từ tháng 1/2012 - 7/2014, tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng.
Dự án sẽ tập trung xây dựng các mô hình sản xuất giống mía mới K88-92, VN84-4317; nhân giống mía mới; canh tác giống mía R579, F157 theo hướng thâm canh tổng hợp, tổng diện tích của mô hình là 100ha. Đào tạo kỹ thuật viên thâm canh cây mía theo hướng thâm canh và phòng trừ tổng hợp, phương thức xen canh mía với cây trồng ngắn ngày. Công ty cổ phần Đường Bình Định sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng mía của dự án theo giá thị trường nhưng có bảo hiểm giá trần khi giá thị trường xuống thấp.
Theo tính toán của cơ quan thực hiện dự án, năng suất mía bình quân từ các mô hình đạt 65 tấn/ha, với giá mía ở mức 1.000 đồng/kg thì 1ha mía sẽ đạt thu nhập 65 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 32 triệu đồng, người trồng mía còn lãi khoảng 33 triệu đồng.
Việc triển khai thực hiện dự án còn giúp người trồng mía trên địa bàn thị xã An Khê nói riêng, các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai nói chung, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, sử dụng giống mía mới đưa vào canh tác đại trà, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về phương thức canh tác, chuyển dịch cơ cấu giống mía, hình thành vùng chuyên canh mía bền vững.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/9/30308.html


Tin khác