Những phong trào đẩy nông dân xa đất

20/09/2011

Cắt giảm đầu tư công là một trong những giải pháp được Chính phủ ưu tiên hàng đầu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Song hiện nay vẫn có hàng loạt dự án đầu tư công chạy theo phong trào, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, thậm chí nhiều dự án mang tính phong trào còn khiến nông dân rơi vào cảnh mất đất, không việc làm...

 
Một góc sân golf Tam Đảo.
Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước sẽ chỉ có 90 sân golf ở 34 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục trình Thủ tướng bổ sung thêm 28 dự án sân golf và vẫn lấy đất lúa để quy hoạch. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhất thiết phải xây dựng sân golf trong khi nhu cầu sử dụng quá khiêm tốn?
118 sân golf không nhiều!
Thế giới hiện có 2.000 sân golf. Nếu Việt Nam dừng lại ở con số 90 theo đúng quy hoạch, sân golf của nước ta sẽ chiếm 4,5% thế giới; còn nếu tăng lên 118 sân golf vào năm 2020 như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trình Chính phủ thì Việt Nam chiếm tới 5,9% số sân golf toàn cầu, trong khi tại Pháp, một quốc gia phát triển có thu nhập bình quân đầu người trên 28.000 Euro (trên 34.000 USD)/năm chỉ có 40 sân golf.
Lý giải về việc kiến nghị bổ sung 28 sân golf mới vào quy hoạch, cựu Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, tới năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, có thu nhập bình quân ở ngưỡng 3.000 USD/người/năm. Do đó, việc đưa sân golf vào quy hoạch nhằm thu hút đầu tư du lịch, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và du khách là việc làm cần thiết.
Đồng tình với ý kiến của ông Phúc, ông Lê Văn Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) cho biết, 118 sân golf quy hoạch cho năm 2020 là không nhiều. Tuy nhiên, quy hoạch chỉ là định hướng, tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, tùy khả năng và nhu cầu đầu tư mà có lộ trình đưa vào xây dựng, chứ không phải ngay lập tức từng ấy sân golf ra đời.
Được hỏi vì sao đã thống nhất không đưa các dự án có đất lúa vào quy hoạch sân golf nhưng trong số 28 dự án Bộ KHĐT trình bổ sung vẫn có tới 4 dự án "ăn" vào đất lúa, ông Ân giải thích, theo Quyết định 1946, Thủ tướng cho phép đưa vào quy hoạch sân golf đối với những khu vực đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích sân golf được duyệt.
Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt câu hỏi, vì so với tiêu chí "tuyệt đối không có đất lúa" thì rõ ràng quy hoạch bổ sung đã không tuân thủ, chưa nói đến việc nhiều địa phương cho phép chủ đầu tư lập dự án, nhưng buông lỏng quản lý thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Lúa vẫn lép vế
Theo Bộ KHĐT, trong số 90 sân golf được phê duyệt thì có 29 sân đã đi vào hoạt động; 22 sân đang xây dựng; 13 sân được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư và 23 sân golf được chấp nhận chủ trương đầu tư. Trong số này chỉ có một số sân golf đạt kết quả kinh doanh khá như sân golf Lương Sơn (Hòa Bình), Đồng Mô, Vân Trì (Hà Nội), Chí Linh (Hải Dương)... Trong năm 2010, mức thuế nộp ngân sách Nhà nước từ các dự án sân golf là 505 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là, khi cho xây dựng sân golf tại địa phương, những gì mà chính quyền và người dân tại đó nhận được rất ít. Tổng vốn đăng ký 90 dự án sân golf rất lớn, lên tới gần 25 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD là vốn đầu tư nước ngoài song nhiều dự án do năng lực tài chính của chủ đầu tư thấp nên họ chủ yếu nhận đất, "giữ phần" để đấy. Thậm chí nhiều dự án được cấp phép kinh doanh sân golf nhưng lại kinh doanh bất động sản, khu du lịch… Cụ thể, có tới 51% tổng diện tích đất quy hoạch cho 90 dự án này dành cho khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại; 8% xây biệt thự… Việc xây dựng sân golf đã không mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, mà cụ thể là những người nông dân bất đắc dĩ phải "nhường" đất sản xuất.
 
Xã Hiệp An (Đức Trọng - Lâm Đồng) nằm trên Quốc lộ 51, giáp ranh TP. Đà Lạt nên phải "gánh" tới 3 sân golf, chiếm một nửa số sân golf trong quy hoạch của tỉnh. Trong đó, sân golf khu du lịch K'Rèn có diện tích 440ha được quy hoạch giữa thung lũng, bao bọc là cánh rừng thông nguyên sinh. Đáng nói là, sân golf này đã lấy đi toàn bộ đất 2 lúa tại cánh đồng K'Rèn, trong khi trước đây, vùng này là điểm sáng của huyện Đức Trọng về nông nghiệp và là mô hình mẫu về canh tác lúa chất lượng cao.
Không riêng gì Lâm Đồng, nhiều tỉnh khác cũng đã phê duyệt dự án xây dựng sân golf, lấy đi hàng trăm hecta đất nông nghiệp của dân. Xã Tân Lập 1 (Tân Phước - Tiền Giang) được biết đến là nơi có giống dứa nổi tiếng, một đặc sản của Tây Nam Bộ, nhưng nay vùng dứa cao sản năm nào chỉ còn một diện tích khiêm tốn trong khi hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang, nông dân "treo" cuốc, bỏ nghề nông. Hỏi ra mới biết, tháng 7/2009, tỉnh Tiền Giang họp dân công bố thu hồi đất tại ấp 5, xã Tân Lập 1 để cấp cho dự án sân golf 36 lỗ và khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp rộng 270ha, vốn đầu tư khoảng 1.280 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn nằm… trên giấy. Hình ảnh nhận biết duy nhất của dự án là tấm bảng công bố quy hoạch đã bạc thếch.
Ông Cao Minh Tâm, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án khu phức hợp (bao gồm cả sân golf) mới được chủ đầu tư hoàn tất khâu quy hoạch chi tiết, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư.
Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước đã sử dụng tới 72.000ha đất nông nghiệp để đầu tư, chuyển đổi sang mục đích khác, riêng các dự án sân golf đã "ngốn" gần 6.400ha đất, trong đó có hơn 2.600ha đất lúa. Đây thực sự là mối lo ngại cho an ninh lương thực quốc gia khi mà tình trạng đất trồng lúa đang ngày càng ít đi do nước biển dâng, xâm nhập mặn, đô thị hóa...
Lợi ích nhóm hay cộng đồng?
Những sân golf đang trở thành loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu du lịch hướng về thiên nhiên, gắn với thiên nhiên hoặc dựa vào thiên nhiên. Tất cả các dự án phát triển kinh tế -xã hội đều có thể mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nếu nó được thực hiện đúng hướng, sân golf cũng vậy. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như quốc gia nào cũng có quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng sân golf. Song điều đáng bàn là làm thế nào để việc xây dựng, quy hoạch đó đáp ứng được yêu cầu của xã hội, phục vụ cho toàn xã hội, chứ không thể vì lợi ích của một nhóm lợi ích nào đó.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sân golf Việt Nam có nhiều đặc thù riêng, khiến dư luận không đồng thuận như làm không đúng tiến độ, thiếu hoặc sai các hạng mục, sân golf gắn với kinh doanh bất động sản, mật độ và khoảng cách giữa các sân không hợp lý, các vấn đề về môi trường... Rõ ràng là có điều gì đó bất thường trong phân bổ sân golf tại một số tỉnh, thành.
"Diện tích bình quân đất trên đầu người nước ta rất thấp, bởi vậy việc quy hoạch trên 40.000ha làm sân golf là quá nhiều. Con số 118 sân golf chỉ gây thêm bức xúc", ông Võ nói.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với số dự án sân golf như hiện nay thì sau 15-20 năm nữa chúng ta cũng chưa sử dụng hết. Nếu nói là thu hút du lịch thì rõ ràng người nước ngoài chơi golf ở Việt Nam không nhiều, trong khi những người Việt Nam có điều kiện chơi golf lại quá ít. Nếu họ có điều kiện tài chính để chơi và chơi với ý nghĩa thể thao thì tốt, nhưng số lượng dịch vụ của ta cung cấp quá nhiều so với nhu cầu nên gây lãng phí lớn. Trước hết là lãng phí đất đai, thứ nữa là lãng phí đầu tư.
Còn TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, với quy hoạch sân golf mới mà Bộ KHĐT trình, Chính phủ cần phải đưa ra các quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo các dự án sân golf phải kinh doanh và chỉ kinh doanh thể thao chứ không phải lợi dụng sân golf để kinh doanh bất động sản như thời gian qua.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/9/30313.html


Tin khác