Tình trạng mất thương hiệu nông sản: Không thể đổ lỗi cho nông dân

20/09/2011

Sự kiện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc chiếm dụng là bài học lớn để đánh thức ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho nhiều loại nông sản nổi tiếng khác.

NTNN trao đổi với bà Hồ Ngọc Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn InvestConsult, một chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ về vấn đề này.
Câu chuyện nhiều thương hiệu sản phẩm có tiếng của Việt Nam bị “mất” thời gian gần đây, nếu đứng ở góc độ chuyên môn thì nó báo động thực tế gì, thưa bà?
- Câu chuyện mất thương hiệu như trường hợp cà phê Buôn Ma Thuột không phải là câu chuyện cá biệt, thực tế đã xảy ra nhiều. Có rất nhiều nhãn hiệu đã bị mất nhưng chúng ta không đề cập đến cùng. Ở góc độ kinh doanh thì thương hiệu rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam lại chưa được quan tâm nhiều.
Trong xây dựng chiến lược sản phẩm thì marketing thương hiệu là cực kỳ quan trọng. Sản phẩm có thể đi sau, thiết kế, sản xuất có thể chậm hơn, nhưng giữ chỗ thị trường phải làm trước. Việc đăng ký nhãn hàng chính là làm việc giữ chỗ thị trường.
Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản chủ yếu, mình xuất khẩu nông sản đi mà mình không giữ tên của mình, để bị lấy mất tên thì tổn thất sẽ rất lớn vì đằng sau thương hiệu ấy là bao nhiêu giá trị đã được đầu tư.
Sự quan tâm và đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam còn ít và yếu.
 
Vậy, cái thiếu của người nông dân cần phải được giúp sức trong việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho mình là gì?
- Làm sao cho những người nông dân Việt Nam hiểu thương hiệu cũng giống như chứng minh thư nhân dân để phân biệt người này với người khác, và người nào tự biết làm cho mình nổi lên sẽ có lợi thế trong xã hội.
Thương hiệu cũng vậy, người ta phải có chiến lược từ sản phẩm, có tên thương hiệu và tiếp theo là quảng cáo để cho thương hiệu ấy nó mạnh lên, để đạt hiệu quả trong kinh doanh. Giá trị thương hiệu chính là sự bao hàm giá trị đầu tư vào sản phẩm, đầu tư vào chi phí cho quảng cáo, cho chất lượng sản phẩm, cho quan hệ khách hàng.
Ít nhất là trong vài năm gần đây, nhất là khi hội nhập và vào WTO, ai cũng hiểu rằng xây dựng thương hiệu là quan trọng và cần thiết đối với bất kỳ sản phẩm nào. Nhưng tại sao lâu nay chúng ta gần như chưa xây dựng được một thương hiệu nông sản nào thực sự thành công?
- Vấn đề thương hiệu ở Việt Nam mới bắt đầu thực sự được quan tâm thời gian ngắn gần đây, khoảng 10 năm. Nhưng mới chỉ được ý thức trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Trong nông nghiệp thì còn rất yếu. Bởi nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta manh mún và hiệp hội nghề trong sản xuất nông nghiệp còn rất yếu, cho nên việc quan tâm xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho nông nghiệp cũng yếu.
Nếu coi thương hiệu không chỉ là cái tên mà là chiến lược phát triển của doanh nghiệp, của sản phẩm, thì hiện nay nông sản Việt Nam thiếu những yếu tố gì trên con đường xây dựng và khẳng định thương hiệu?
- Từng người nông dân không thể làm được chuyện ấy. Không thể đổ lỗi cho họ. Họ là người sản xuất, họ chỉ biết sản xuất, làm ra sản phẩm. Phải làm thế nào để họ ý thức được về quyền lợi của mình. Các hiệp hội, các công ty sản xuất chế biến nông sản, các công ty xuất nhập khẩu phải là người hỗ trợ để làm sáng rõ nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm mà họ muốn bán.
Báo chí gần đây mới nói đến vấn đề của một số thương hiệu cụ thể, nhưng theo chúng tôi vấn đề này phải nâng lên ở mức độ chiến lược quốc gia. Chúng ta vẫn nghĩ về vấn đề sở hữu trí tuệ một cách rất hời hợt mà chưa thấy được tầm quan trọng của nó. Rất cần đầu tư và quan tâm ở tầng chiến lược chứ không phải là chỉ để ý đến những khía cạnh thuần túy về kỹ thuật như làm thế nào để giành lại từng nhãn hiệu đã bị chiếm mất...
Xin cảm ơn bà!
Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty InvestConsult, chuyên gia tư vấn, đại diện sở hữu trí tuệ: Nông sản là lĩnh vực hiện nay chúng ta có ít hiểu biết về vấn đề sở hữu trí tuệ và điều đó làm ảnh hưởng đến một nhóm người rất lớn. Với những người kinh doanh, khi chuẩn bị đưa hàng hoá vào một thị trường là họ nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu. Đối với người nông dân thì khó hơn, bởi thông thường các nhãn hiệu có liên quan đến nông sản thường có tính chất tập thể dưới dạng chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể, đòi hỏi phải có tập thể đứng ra, thường thì nông dân khó có thể có được tập thể mạnh và có tầm nhìn cụ thể.
Ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Bộ phận sở hữu trí tuệ (InvestConsult): Trường hợp thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và trước đó là Kẹo dừa Bến Tre phản ánh một thực tế là nhận thức về quyền sở hữu của người Việt đối với tài sản của mình là chưa cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn hơn là các cơ quan quản lý nhà nước chưa đầu tư sự chú ý thích đáng đối với vấn đề này ở góc độ nội dung mà mới chỉ để ý đến hình thức. Đã đến lúc cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các hiệp hội nông sản và hiệp hội thủ công mỹ nghệ để tạo ra những thương hiệu mạnh. Từng thương hiệu mạnh sẽ tập hợp lại tạo ra những thương hiệu quốc gia, tạo ra những tài sản vô hình có giá trị cao.
 
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/58378p1c25/khong-the-do-loi-cho-nong-dan.htm


Tin khác