Nông dân mong được đào tạo nghề

27/09/2011

Lao động ở lại nông thôn hiện nay phần lớn là người già, phụ nữ chưa qua đào tạo nghề - đó là thực trạng nhiều đại biểu đã nêu ra tại Hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong đào tạo nghề cho ND ở Việt Nam”.

Hội thảo do T.Ư Hội NDVN, Hội ND Đức (DBV), Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Đức (BMELV) tổ chức tại Hà Nội ngày 26 và 27/9.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều với đại diện lãnh đạo Bộ BMELV của Đức.
 
Thiếu mạng lưới dạy nghề
Ông Nguyễn Hồng Minh - đại diện Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết, năm 2009, Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nhưng mạng lưới cơ sở dạy nghề cho lao động nông nghiệp hiện còn rất thiếu, quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế chưa đáp ứng được với nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Một trong những thực trạng đáng báo động hiện nay ở nông thôn là hiện tượng “già hoá, nữ hoá” lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp.
Bà Phạm Thị Thu Bình - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho rằng: “Lao động nông thôn hết tuổi lao động vẫn phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng hiện lại không được đào tạo nghề nông miễn phí. Đây là một thiệt thòi cho ND, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn...”.
Dạy nghề để ND thiết tha với đồng ruộng
Ông Phạm Hùng, đại diện Bộ NNPTNT cho rằng: “Muốn nâng cao thu nhập bắt buộc phải tập huấn, đào tạo nghề cho ND sản xuất nông nghiệp theo quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm GMP, VietGAP...”.
Theo TS Phạm Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay thì việc đào tạo nghề cho ND tổ chức phù hợp nhất là ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, hình thức đào tạo cần đa dạng trong đó chú trọng đến hình thức ND dạy ND, học tại chuồng trại, ruộng vườn ở thôn, bản...
Ông Udo Flogart- Phó Chủ tịch Hội ND Đức chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nghề cho ND ở nước Đức. Ở Đức tất cả chủ trang trại, HTX nông nghiệp bắt buộc đều phải có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn về nông nghiệp. Việc học nghề của ND Đức là tự nguyện.
Việc đào tạo và đào tạo nghề cho ND ở Đức liên tục để thích ứng với sự thay đổi trong phương thức sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường và yêu cầu của thị trường. Chi phí đào tạo nghề cho ND ở Đức phần lớn đều do Nhà nước đài thọ.
“Thông qua hội thảo, Hội NDVN, Hội ND Đức sẽ tìm ra các cơ hội hợp tác cụ thể hơn trong lĩnh vực đào tạo nghề cho ND, tổ chức xây dựng các dự án nhằm hiện thực hoá các nội dung hợp tác.” - Ông Udo Folgart - Phó Chủ tịch DBV.
TS Wilhelm Wehren- Giám đốc điều hành Viện Haus Riswick-chuyên đào tạo nghề cho ND cho biết: “Khác với Việt Nam, sản xuất nông nghiệp của nước Đức lại thu hút được rất nhiều lao động trẻ, đặc biệt hơn 3 năm qua có tới 40% lao động trẻ không xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp.
Hệ thống dạy nghề cho ND ở Đức chia ra làm nhiều bậc, sơ khởi, trung cấp và giáo viên. Lao động tốt nghiệp PTTH học 3 năm thành thợ, học thêm 2 năm nữa thành thợ cả (bậc này mới được làm chủ trang trại), thợ cả học tiếp thì đạt bậc giáo viên dạy nghề nông nghiệp. Viện chúng tôi có môn nông nghiệp chia làm 14 nghề như nuôi ngựa, trồng nho, thí nghiệm viên ngành sữa...
Trong khoá học, ND còn được đào tạo các nội dung liên quan đến nghề này như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường, các dịch vụ liên quan, kiến thức thị trường. Một tuần, học viên chỉ học lý thuyết 2 buổi, còn lại là thực hành tại nông trại. Học viên được trả tiền trong thời gian thực hành”.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/59422p1c34/nong-dan-mong-duoc-dao-tao-nghe.htm


Tin khác