Những khó khăn trong xuất khẩu cao su năm 2012

15/02/2012

Xuất khẩu cao su năm 2011 khép lại với những khó khăn, đặc biệt là việc xuống giá của cao su trong những tháng cuối năm. Năm 2012, các chuyên gia dự báo xuất khẩu cao su vẫn không tránh khỏi những khó khăn do tác động của thị trường thế giới cũng như trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 1/2012 đạt 60 ngàn tấn với giá trị đạt 200 triệu USD, giảm 19,3% về lượng và 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của cao su Việt Nam, chiếm 60% tổng khối lượng cao su xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Cao su, nhu cầu cao su trên toàn thế giới năm 2012 vào khoảng 27,2 triệu tấn, tăng 5,84% so với năm 2011. Nhưng do nhu cầu sử dụng cao su tổng hợp tăng cao, cộng với sản lượng cao su tự nhiên tăng mạnh ở nhiều nước nên thị trường cao su tự nhiên trong năm 2012 được dự báo sẽ ở vào tình trạng cung vượt cầu. Theo đó, các chuyên gia cao su Việt Nam cũng như quốc tế dự báo trong quý I năm 2012 giá cao su xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm sâu và phải tới quý II thậm chí là quý III mới có thể phục hồi trở lại. Giá cao su xuất khẩu hiện chỉ còn khoảng 3.300 USD/tấn, và dự báo giá sẽ giảm sâu xuống mức dưới 3.000 USD/tấn trong quý I/2012.
Tình hình này đã gây ra nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành cao su trong nước. Được biết, năm 2012, Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) sẽ giảm diện tích khai thác cao su và tập trung thanh lý lượng cao su tồn trong năm 2011 nên hiệu quả kinh doanh dự kiến sẽ không bằng năm 2011. Bởi vậy, HRC đã đặt các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2012 thấp hơn so với năm 2011. Đại diện CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng cho biết, mặc dù đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2012 cao hơn năm 2011 nhưng TRC xác định năm 2012 sẽ khó khăn hơn năm 2011.
Trong khi đó theo Hãng tin Bloomberg, tại thị trường thế giới, thặng dư cao su toàn cầu năm 2012 sẽ ở mức 413.000 tấn, dư thừa rất nhiều so với mức thiếu hụt 87.000 tấn trong năm 2011. Nguồn cung cao su toàn cầu sẽ tăng 7% lên 11,8 triệu tấn trong khi nhu cầu cao su chỉ tăng 3%, lên mức 11,4 triệu tấn.
Cùng với đó, trong năm nay sản lượng cao su của Thái Lan được dự báo tăng 8% lên mức 3,7 triệu tấn, Indonesia dự kiến tăng 5,1% lên mức 3,1 triệu tấn và Malaysia sẽ duy trì xung quanh mức 1 triệu tấn. Cả ba nước này chiếm 70% sản lượng cao su toàn cầu.
Năm 2012, mặc dù nhu cầu cao su của ngành công nghiệp ô tô vẫn tăng cao nhưng giá cao su tiếp tục chịu áp lực giảm, do tác động của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Hơn nữa, ảnh hưởng từ thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan trong năm 2011 cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá cao su do việc sản xuất ô tô bị gián đoạn.
Giá cao su trên thị trường hàng hóa Tokyo đang giao dịch ở mức 272,7 yên (74.000 đồng/kg), giảm 49% so với mức kỷ lục 535,7 yên (146.000 đồng/kg) trong tháng 2/2011. Giá cao su đã giảm liên tục trong 10 tháng qua. Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, giá cao su có thể tiếp tục giảm thêm 10% xuống mức 240 yên (65.500 đồng/kg) trong năm nay - đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009.
Mặc dù chiếm ưu thế nhưng nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi các doanh nghiệp ngành cao su như biến động giá, diễn biến thời tiết thất thường... Để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, các doanh nghiệp cần luôn theo dõi sát sao diễn biến giá thị trường cao su trong nước và trên thế giới để có kế hoạch phát triển diện tích trồng cao su phù hợp.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=506349


Tin khác