Sản xuất, tiêu thụ trái cây ở Nam Bộ: Bao giờ bền vững?

29/06/2012

Các tỉnh Nam Bộ không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản mà còn là vựa cây ăn trái của cả nước, với tổng diện tích hơn 408.000ha. Sản xuất cây ăn trái ở khu vực này đã có bước tăng trưởng khá nhanh cả về diện tích, cơ cấu cây trồng và sản lượng. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có thì chuỗi sản xuất, xuất khẩu trái cây tại đây vẫn còn manh mún, hiệu quả thấp.

Một góc vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Phùng Nhật Phong ở xã Gia Lộc (Trảng Bàng - Tây Ninh).
Bài học hay từ trái thanh long Bình Thuận
TS. Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) ghi nhận, nông dân trồng cây ăn trái vùng Nam Bộ hiện nay có thể đáp ứng gần như mọi yêu cầu của thị trường. Nếu trước đây, mỗi loại trái cây chỉ có một mùa thì bây giờ bà con có thể cho ra trái quanh năm như sầu riêng và thanh long, thậm chí còn có thể tạo ra những hình dạng quả độc đáo như bưởi hồ lô, dưa hấu vuông… Việc áp dụng kỹ thuật để cây cho quả trái vụ trước đây chỉ là cục bộ, riêng lẻ nên một số ít nhà vườn khá lên nhờ bán được giá. Nhưng nay cần quy hoạch rải vụ cho toàn vùng để giá bán luôn ở mức hợp lý, hạn chế tình trạng được mùa, rớt giá.
Vai trò của doanh nghiệp trong việc tiêu thụ trái cây ngày càng được thể hiện rõ nét như chuối ở Kiên Giang, mít vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên được Vinamit bao tiêu để chế biến; xoài ở An Giang được Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đặt hàng… Nhờ vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt để tạo ra sản phẩm đồng loạt theo yêu cầu chế biến của nhà máy trở nên tiện lợi hơn.
Cũng theo ông Dư, sản xuất cây ăn trái ở Nam Bộ có nhiều thuận lợi, bởi điều kiện đất đai, thời tiết rất thích hợp cho sự phát triển của nhiều loại trái cây nhiệt đới. Ngoài ra, nơi đây còn gần các tỉnh, thành phố lớn nên có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Đáng tiếc là so với tiềm năng vốn có của mình thì quy mô sản xuất trái cây ở Nam Bộ vẫn khá nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết giữa người trồng để thống nhất quy trình và đầu tư đồng bộ, cũng như chưa tổ chức được hệ thống tiêu thụ chuyên nghiệp… Tình trạng này khiến việc sản xuất cây ăn trái của khu vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, các địa phương cần học cách làm của Bình Thuận về quy hoạch, tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo thành chuỗi giá trị, trong đó cần chú trọng đưa thương lái vào chuỗi giá trị, bởi nhờ thương lái, trái cây sẽ được tiêu thụ tốt hơn. Tuy nhiên, đưa thương lái vào chuỗi sản xuất cũng cần gắn với việc đầu tư sơ chế, vận chuyển. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ sớm công bố quy hoạch tổng thể cây ăn trái toàn vùng, nhưng các tỉnh cần có quy hoạch chi tiết đến từng xã, nếu có điều kiện, thí điểm đến từng hộ.
Quy hoạch lại vùng cây ăn trái Nam Bộ
Để nâng cao hiệu quả trong chuỗi phát triển cây ăn quả ở các tỉnh Nam Bộ, theo ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp (Phân viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp phía Nam), trước hết cần nghiên cứu, cập nhật chủ trương, cơ chế, chính sách đối với cây ăn quả đã ban hành còn hiệu lực và các chính sách dự định sẽ ban hành, nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm hao hụt sau thu hoạch.
Theo ông Bổng, đã đến lúc phải đổi mới toàn diện nhận thức và hành động phát triển bền vững cây ăn quả hàng hóa chủ lực; lập quy hoạch chi tiết, hoặc xây dựng dự án phát triển cây ăn quả ở các địa phương và quá trình thực hiện quy hoạch này phải đến từng xã và nông hộ - trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh cây ăn quả. Đặc biệt là các dự án phải tuân thủ phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người hưởng lợi (nhà nông).
Bên cạnh đó, cần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển cây ăn quả chủ lực, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, bổ sung và nâng cấp thành quy trình-quy phạm kỹ thuật để ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây ăn quả.
TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng: “Dù Nhà nước có đưa ra được những công trình, dự án hoành tráng thế nào đi chăng nữa nhưng đầu ra không có thì chúng ta cũng không làm được gì. Chuỗi cung ứng hiện nay của chúng ta đã quá lạc hậu, người sản xuất hầu như không biết gì về thị trường tiêu thụ mà chủ yếu bán qua thương lái. Thương lái mua tất cả sản phẩm (cả sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP) rồi về trộn chung với nhau, rất lộn xộn nên giá trị thấp”.
Theo TS. Mai, để phân biệt được sản phẩm nào sản xuất theo GAP, sản phẩm nào sản xuất bình thường, thì nhất thiết phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm GAP. Điều này giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm nào là an toàn, từ đó nông dân có thể bán được với giá cao hơn.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái chủ lực (đặc sản) ở Nam Bộ được các địa phương quy hoạch hơn 146.000ha, chiếm 36% diện tích cây ăn trái toàn vùng, bao gồm 14 loại: cây có múi (bưởi, quýt hồng, cam, chanh), xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, vú sữa, măng cụt, dâu, khóm, mãng cầu, nho, táo và chuối.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/6/35032.html


Tin khác