Cần có giải pháp mua lúa cho nông dân

27/06/2012

Thời gian cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6, giá lúa gạo ở các tỉnh Nam Bộ khá bấp bênh, chao đảo, khiến cho bà con nông dân rất lo lắng. Hiện vụ lúa hè thu đang được thu hoạch rộ tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu không có chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời, bà con sẽ gặp muôn vàn khó khăn để sản xuất vụ mới.

Giá lúa lên xuống thất thường
Từ tháng 6 đến nay, giá lúa liên tục giảm. Ông Huỳnh Văn Tám, một thương lái chuyên thu mua lúa gạo ở vùng tứ giác Long Xuyên nói: “Giá lúa gạo thay đổi từng ngày, khiến bà con hoang mang”.
Nửa đầu tháng 5, giá lúa gạo tương đối ổn định và ở mức cao. Giá lúa IR 50404 tươi đều ở mức từ 4.400 đến 4.600 đồng/kg, còn khi phơi khô từ 5.300 đến 5.500 đồng/kg; giá lúa OM 4218, OM 1490, OM 5451 tươi từ 4.500 đến 4.600 đồng/kg. Nhưng thời điểm hiện nay, giá các loại lúa trên đã giảm từ 450 đến 850 đồng/kg tùy theo từng địa phương. Những ngày này, giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm cũng giảm từ 200 đến 300 đồng/kg so với đầu tháng 5. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu giống IR 50404 ở mức từ 6.750 đến 6.850 đồng/kg, gạo nguyên liệu giống lúa hạt dài từ 6.800 đến 6.950 đồng/kg. Tại chợ Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang), hay chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp), một số chợ ở TP Long Xuyên (An Giang), giá gạo thành phẩm chất lượng cao xuống chỉ còn 8.100 - 8.150 đồng/kg, giá gạo thành phẩm hạt dài từ 7.850 đến 8.250 đồng/kg.
Giá lúa giảm khiến nông dân tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ bị lỗ nặng.
Nhiều địa phương như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ…, hầu hết các hộ dân thu hoạch lúa hè thu đều không dám bán vì giá liên tục giảm. Lúa chất đầy nhà, có gia đình phải đi thuê chỗ chứa, khiến cho tình hình sản xuất lúa gạo thêm bức bối. Bà Bùi Thị Loan, ngụ tại huyện Thoại Sơn (An Giang) nói: “Giá lúa, gạo cứ rớt liên tục. Chúng tôi cũng muốn bán lúa nhanh để có vốn đầu tư cho vụ sản xuất mới, nhưng bán với giá như hiện nay thì lỗ lắm”.         
Doanh nghiệp thiếu mặn mà
Có thể khẳng định, tình hình xuất khẩu gạo của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn. Gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của gạo Ấn Độ, Thái Lan, Mi-an-ma trên các thị trường truyền thống. Những nước này sản xuất khá nhiều loại gạo chất lượng trung bình, nhưng lại bán với giá rẻ. Đặc biệt, Thái Lan đang chủ trương bán một lượng gạo lớn tồn kho trong thời gian qua với giá hấp dẫn, khiến nhiều nước tiêu thụ gạo rất quan tâm. 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu lúa gạo của nước ta chủ yếu chú trọng vào các loại gạo cấp cao, còn các loại gạo cấp thấp xuất đi rất khó khăn do nhu cầu của thị trường không nhiều.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lúa gạo khá thờ ơ. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: “Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chưa chủ động thu mua lúa gạo cho nông dân theo chủ trương của Chính phủ. Đây là một nỗi lo lớn đối với những người trực tiếp sản xuất ra hạt gạo”. Còn các doanh nghiệp lại đưa ra các lý do là hàng tồn kho còn nhiều, không có kho bãi tạm trữ, lãi suất của ngân hàng thay đổi liên tục. Không những thế, lúa vụ hè thu chủ yếu để làm gạo cấp thấp (25% tấm), nên rất khó cạnh tranh được với các loại gạo giá rẻ của nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng 675.000 tấn, khiến cho tình trạng lúa gạo tồn đọng trong dân nhiều. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 24-6, nước ta đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 20,16% về lượng và 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.
Nông dân Trà Vinh thu hoạch vụ hè thu trong thấp thỏm.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Thời gian trước, các doanh nghiệp đã cố gắng mua lúa của nông dân, nên lúa gạo trong kho còn tồn nhiều. Hiện nay, các doanh nghiệp đã mua được khoảng 250.000 tấn gạo”. Qua tìm hiểu thị trường tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ hay Hậu Giang chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà trong việc thu mua lúa gạo. Khi doanh nghiệp còn so đo, tính toán, thì nông dân càng gặp khó.
Cần có giải pháp mua lúa cho nông dân
Trên thực tế, việc xuất khẩu gạo thơm và các loại gạo chất lượng cao 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng xuất khẩu gạo chất lượng thấp lại giảm khá nhiều (giảm khoảng 33% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011). Giá lúa giảm làm cho nông dân có nguy cơ bị lỗ nặng. Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An: “Nếu bán với giá dưới 4000 đồng/kg lúa, thì mỗi héc-ta trồng lúa bà con chỉ thu được hơn 30 triệu đồng. Trừ đi các khoản chi phí chỉ thu lãi được khoảng 7 triệu đồng. Số tiền này không thể đầu tư vào vụ mới”.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang đề xuất với Chính phủ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (khoảng 2 triệu tấn lúa) hè thu với giá cao để nông dân không bị thiệt, giúp họ đầu tư vào vụ sản xuất mới. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ tiền cho nông dân để họ mua lúa của chính mình và gửi ở kho của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo mô hình sản xuất lúa trên "Cánh đồng mẫu lớn", cho nông dân gửi lúa tạm trong kho của mình, đợi khi nào giá cao sẽ bán. Việc Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp mua tạm trữ để giải cứu vụ lúa hè thu cho nông dân, chỉ là một giải pháp trước mắt nhưng cần thiết. Theo chúng tôi, điều cần làm nữa là VFA phải tích cực tìm thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo trên thị trường truyền thống và mở rộng sang thị trường mới. Xa hơn nữa, Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các địa phương cần tập trung giúp nông dân sản xuất các loại lúa gạo chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hạn chế sử dụng giống lúa có chất lượng gạo kém như IR 50404. Như vậy lúa gạo sản xuất ra mới bảo đảm chất lượng tốt, tiêu thụ nhanh và đạt lãi suất cao.       
Theo Quân đội nhân dân

Nguồn:http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/194877/Default.aspx


Tin khác