Vụ lúa hè thu - Tạm trữ theo cách nào?

25/06/2012

Giá gạo thế giới đang diễn biến bất lợi vào thời điểm Việt Nam thu hoạch lúa hè thu. Tình thế đặt ra buộc phải nhanh chóng có biện pháp tiêu thụ lúa trước khi bước vào vụ thu hoạch rộ tháng 7 và 8 sắp tới.

Niềm vui được mùa của các bạn thanh niên ấp Long Định, xã Long Kiến, tỉnh An Giang.
Ẩn số bất ngờ
Thời gian qua, nhiều nơi đã thu hoạch lúa hè thu sớm, tuy nhiên giá bán lúa khá thấp. Ở Hậu Giang, lúa tươi IR50404 tại ruộng chỉ còn 3.400–3.600 đồng/kg, giá lúa khô trên 4.000 đồng/kg. Giá bán này rất khó đảm bảo lợi nhuận 30% như chỉ đạo của Thủ tướng. Mới đầu vụ mà tình hình giá cả đang có chiều hướng xấu đi, nếu không kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân thì vào thời kỳ thu hoạch rộ tháng 7 và 8 không biết giá lúa sẽ như thế nào?
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hè thu là vụ có diện tích lớn với 1,6 triệu ha, sản lượng lúa khoảng 8,9 triệu tấn, trong đó, lúa hàng hóa cần phải tiêu thụ cho dân khoảng 5,8 triệu tấn, tương đương 2,9 triệu tấn gạo. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, áp lực giá gạo giảm từ Ấn Độ và Myanmar cùng với lượng gạo tồn kho lớn của Thái Lan luôn là ẩn số có thể tạo ra diễn biến bất ngờ trên thị trường.
Giống lúa gây nhiều bàn cãi nhất là IR 50404. Dù đã được VFA và Bộ NN-PTNT cảnh báo về khó khăn đầu ra, khuyến cáo giảm diện tích xuống mức 10% diện tích gieo trồng, nhưng vụ hè thu hiện nay tỷ lệ giống lúa này vẫn chiếm không dưới 20%.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho rằng, giữa ý chí của nhà quản lý với thực tế của nông dân là một khoảng cách lớn. Bởi đây là giống lúa hội đủ nhiều yếu tố mà bà con nông dân ưa chuộng: ngắn ngày (90 ngày), có thể quay 3 vụ/năm; năng suất cao và ổn định; có thể trồng được các mùa vụ và vùng đất khác nhau. Thực tế bà con vẫn tiêu thụ được, nhất là giống lúa lá xanh, vẫn có thể phối trộn gạo 5% và 10% để xuất khẩu. Vì vậy, cần phải khuyến cáo cụ thể để bà con lựa chọn.
Cần xử lý ngay
Trước tình hình bất lợi về xuất khẩu và tiêu thụ lúa hè thu đang thu hoạch, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, VFA và ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL có cuộc họp để nắm tình hình và tìm ra giải pháp khả thi. Ý kiến chung của các địa phương đều cho rằng, biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay là tạm trữ.
Vấn đề đặt ra là sẽ tạm trữ như thế nào, ai đứng ra thực hiện? Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Cục phó Cục Trồng trọt, vụ đông xuân vừa qua bà con nông dân vẫn có thể hưởng lợi 30% như chỉ đạo trước đó của Thủ tướng là nhờ việc chủ động mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của 88 doanh nghiệp (DN) thuộc VFA. Nhờ có chủ trương này, được hưởng lãi suất ưu đãi trong 3 tháng, DN đã mạnh dạn thu mua lúa. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, các ý kiến phản biện xã hội cho rằng, chủ trương và chính sách này chỉ giúp DN mà không đến tay người thực sự tạo ra hạt lúa là bà con nông dân. Vậy tại sao không áp dụng chính sách này đến trực tiếp người trồng lúa? Nhà nước sẽ giúp nông dân tạm trữ thông qua hỗ trợ lãi suất ngân hàng, nếu bà con không có kho chứa sẽ mang ra kho của DN để tạm trữ. Chi phí nhà nước thanh toán. Điều này về lý thuyết là hợp lý nhưng khi triển khai thực tế lại không thể trong bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với hàng triệu hộ nông dân. Nếu Thủ tướng chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương triển khai, cũng sẽ bó tay. Hơn nữa, ý kiến này là hợp lý nếu diễn biến thuận lợi.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) Cao Thị Ngọc Hoa cho biết, giá gạo trên thế giới diễn biến rất nhanh, trong 1-2 tháng có thể giảm vài chục USD/tấn. Giá mua lúa đông xuân vừa qua mà bán với giá hiện nay, dù được hưởng lãi suất bằng 0% trong 3 tháng, DN vẫn bị lỗ khoảng 20 USD/tấn. Vậy nếu bà con nông dân trực tiếp tạm trữ thì việc giúp kia lại trở thành gánh nặng. Ông Cao Văn Hóa đưa ra một thực tế khác, tâm lý bà con nông dân chỉ muốn bán nhanh sau thu hoạch, nhận ngay tiền mặt hơn là tạm trữ trong kho DN dù được hưởng lãi suất và phí lưu kho. Bởi, do diện tích canh tác quá nhỏ, sản lượng không cao nên thu hoạch và bán ngay để trang trải chi phí sản xuất và sinh hoạt gia đình.
Ở Malaysia, Indonesia hay Thái Lan nhà nước không áp dụng biện pháp tạm trữ mà Chính phủ đứng ra mua lúa với giá sàn tối thiểu, bà con còn có lời, để đưa vào kho. Sau đó sẽ bán ra dần cho DN thông qua đấu thầu. Tiến sĩ Nguyễn An Tiêm, Phân Viện trưởng Phân viện Thiết kế kỹ thuật nông nghiệp cho rằng, Việt Nam chưa thể có điều kiện áp dụng biện pháp này trong bối cảnh hiện nay, vì vậy dù tạm trữ chưa phải là phương án tốt nhất nhưng là biện pháp thiết thực và hiệu quả nhất. Cho đến thời điểm hiện nay giá lúa trên thị trường không bị giảm mạnh. VFA sẽ đứng ra điều phối thực hiện việc tạm trữ này với lãi suất ưu đãi DN trong thời gian nhất định, dự kiến 3 tháng tính từ giữa tháng 7-2012. Nếu diễn biến thị trường thuận lợi thì DN được hưởng, ngược lại, nếu thua lỗ DN cũng phải chấp nhận.
Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, Cục Trồng trọt tổng hợp, báo cáo tình hình để Bộ NN-PTNT có văn bản kiến nghị việc tạm trữ trình Thủ tướng sớm có chủ trương kịp thời, không để giá lúa trên thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con.
Theo Sài Gòn giải phóng

Tin khác