Thu nhập cho lao động nông thôn là bài toán vẫn chưa có lời giải. Chính thu nhập thấp đã tạo ra làn sóng người từ nông thôn ra thành thị khiến áp lực dân cư đô thị tăng chóng mặt, đồng thời tạo ra vòng luẩn quẩn: Khi lực lượng có sức khỏe, trình độ cao đi hết khỏi nông thôn thì thu nhập ở nông thôn càng xuống thấp...
|
Cánh đồng lúa chất lượng ở Đông Hưng (Thái Bình)
|
Với những xã được chọn xây dựng mô hình nông thôn mới thì mô hình đó sẽ không bao giờ hoàn thành, nếu không vượt qua được tiêu chí “thu nhập bình quân đầu người phải đạt mức 1,5 thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh” (ở đây là thu nhập tại chỗ, không phải cộng tất thu nhập của những người làng đi tứ xứ làm thuê làm mướn chia bình quân).
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy khá nhiều xã được chọn khi mà mức thu nhập bình quân đầu người còn cách khá xa với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Có xã như Nguyên Xá (Vũ Thư, Thái Bình) chẳng hạn, thu nhập bình quân năm 2009 là 5,7 triệu/người/năm, trong khi thu nhập bình quân năm đó của toàn tỉnh đã là 10,02 triệu đồng/người; xã Vũ Lạc (TP Thái Bình) thu nhập bình quân đầu người năm 2009 chỉ đạt 9 triệu/người, trong khi thu nhập bình quân đầu người của TP là 19 triệu đồng/người, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh là 10,02 triệu đồng/người… Với những địa phương đó, áp lực nâng cao thu nhập càng trở nên nặng nề, nếu không nói đó là điểm sinh tử cho việc thành công hay đổ vỡ mô hình NTM.
Trong hoàn cảnh đó thì “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) là mô hình thỏa mãn được các yêu cầu của một nền nông nghiệp mới, liên kết SX lớn, có hạch toán, có quản lý cả chuỗi SX, bao gồm quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), hướng SX theo các tiêu chuẩn an toàn nông sản thực phẩm (VietGAP) và an toàn môi trường, áp dụng TBKT tiên tiến nhất, tạo nên năng suất cao, chất lượng nông sản thực phẩm tốt, giảm chi phí, tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích.
Tại Nam Định, mô hình này đã được bắt tay xây dựng thành công. Đang viết những dòng này, tôi phải ngừng vì có điện thoại. Chủ nhiệm HTXDVNN Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định) gọi điện tha thiết mời tôi về CĐML diện tích 100 ha, cấy giống Bắc thơm 7 của HTX ông để “mục sở thị”, vì cánh đồng đó “vụ này thắng lớn, năng suất đạt trên 60 tạ/ha, vượt trội hẳn so với những cánh đồng khác cấy cùng một giống lúa”. Tại Thái Bình, Thạc sỹ Trần Xuân Định, Phó GĐ Sở NN-PTNT cho biết: “Mục tiêu bao trùm của việc xây dựng mô hình CĐML là nâng cao giá trị thu nhập và đời sống của nông dân”.
Để có thể triển khai mô hình CĐML ra diện rộng, trong 2 năm (2012-2013), Thái Bình triển khai xây dựng 9 mô hình CĐML, trong đó có 4 mô hình CĐML về SX lúa và 5 mô hình về SX rau màu. CĐML được triển khai tại xã Nguyên Xá (Vũ Thư), với công thức luân canh: Lúa xuân giống chất lượng cao VS1 + lúa mùa giống chất lượng cao RVT + đậu tương vụ đông. Xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) với công thức luân canh: Lúa xuân giống chất lượng cao BC15 + lúa mùa giống chất lượng cao TBR36, + khoai tây hoặc dưa bí vụ đông. Xã Vũ Hòa (Kiến Xương) với mô hình luân canh: Vụ xuân + mùa lúa giống chất lượng DS1 (Akita) Nhật Bản + đậu tương hoặc bí xanh vụ đông. Xã Đông Quý (Tiền Hải) với công thức luân canh: Lúa giống BT17 vụ xuân + lúa giống BC15 vụ mùa + khoai tây hoặc dưa, bí vụ đông. 5 mô hình CĐML về SX rau màu được triển khai tại xã Thụy An (Thái Thụy); xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ); xã Vũ Lạc (TP Thái Bình); xã Trọng Quan (Đông Hưng); xã Hồng Minh (Hưng Hà) và đều được bố trí cơ cấu giống cũng như công thức luân canh hợp lý nhất.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngoài những tiêu chí về CĐML của Bộ NN-PTNT, Thái Bình đã bổ sung thêm vào tiêu chí riêng của mình, đó là tiêu chí về giá trị thu hoạch bình quân/ha/năm. Với CĐML về SX lúa gạo, giá trị bình quân về thu hoạch phải đạt thấp nhất 120 triệu/ha/năm. Với CĐML về SX cây rau màu, phải đạt giá trị thấp nhất 220 triệu/ha/năm.
Bằng tất cả nỗ lực và sự đồng thuận, đồng loạt vào cuộc của nông dân, DN cung ứng vật tư đầu vào và lo đầu ra, chính quyền, HTXNN, nhà khoa học... vụ mùa 2012 nhiều CĐML sẽ hiện diện trên tỉnh lúa.
Theo Nông nghiệp Việt Nam