Cứu nông dân và doanh nghiệp chế biến dừa Bến Tre

18/06/2012

Giá dừa khô đang giảm khoảng 70% so với năm trước, đẩy hàng nghìn hộ dân và hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dừa tại Bến Tre lâm vào cảnh khốn khó. Nếu tình trạng này kéo dài, cây dừa – vốn là niềm tự hào và nguồn sống của người dân nơi đây có thể sẽ bị đốn hạ để thay thế bằng những cây trồng khác.

Được mùa nhưng không vui
Bến Tre được coi là xứ dừa lớn nhất cả nước với khoảng 53.000ha diện tích trồng dừa, mỗi năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước trên dưới 400 triệu trái dừa. Theo thống kê của Hiệp hội dừa Bến Tre, kinh tế của hơn 70% hộ nông dân tại tỉnh đều liên quan đến cây dừa. Các sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Năm nay, sản lượng dừa tại tỉnh Bến Tre ước tính đạt gần 500 triệu trái, tăng hơn 20% so với năm ngoái. Được mùa lớn nhưng người dân nơi đây vẫn không thể vui mừng khi giá dừa khô đang giảm thê thảm. Năm ngoái, giá dừa khô có lúc đạt 150.000 đồng /chục (12 trái) nhưng đến nay giá giảm chỉ còn 15.000 đồng /chục. Nhiều hộ gia đình ở những vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, giá thu mua dừa còn thấp hơn. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong 5 năm trở lại đây và còn có thể hạ hơn nữa.
Dừa khô tồn đọng tại một cơ sở sơ chế ở xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre.
Anh Hà Điệp ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, gia đình anh có hơn 100 gốc dừa, mỗi tháng thu hoạch khoảng 1000 trái dừa khô nhưng chỉ bán được khoảng 1, 5 triệu đồng. Mặt khác, anh còn phải chịu chi phí thuê người hái dừa, thông thường là 4000 đồng – 5000 đồng /chục. Với số tiền ít ỏi thu được từ việc bán dừa không đủ cho gia đình trang trải cho cuộc sống. Rất nhiều hộ nông dân tại các huyện có diện tích trồng dừa lớn như Giồng Trôm, Châu Thành và Thạnh Phú cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Dù sắp hết mùa thu hoạch chính nhưng vườn nhà nào cũng thấy dừa “treo” đầy ngọn hoặc chất đống cao. Nhiều hộ nông dân còn không buồn hái, quả khô rụng khắp vườn.
UBND tỉnh Bến Tre vừa đưa ra một gói các giải pháp tổng thể để cứu cây dừa. Thứ nhất, các doanh nghiệp tăng cường liên kết, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi chào hàng xuất khẩu và sau đó lại quay lại ép giá nông dân. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng các điểm thu mua dừa của nông dân để hạn chế bớt khâu trung gian, nâng được giá dừa trái lên. Riêng đối với nông dân, UBND tỉnh đang vận động các ngân hàng giãn nợ, cho vay thêm vốn để người dân có điều kiện tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn dừa và vượt qua được khó khăn hiện nay.
Hiện tại, hầu hết các vựa thu mua, cơ sở sơ chế biến dừa trong tỉnh đều làm ăn thua lỗ do đã tích trữ dừa quá nhiều và đang trong tình trạng “sống dở chết dở”. Dọc bờ sông Bến Tre, có hàng chục vựa thu mua, dừa chất cao từng đống, phần lớn dừa đã mọc mầm. Chị Phạm Thị Thắm, chủ một cơ sở sơ chế dừa tại xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, lắc đầu ngao ngán: “Tôi bị mất hơn 100 triệu đồng do mấy tháng trước thu mua dừa với giá 50.000 đồng /chục”; giá cơm dừa giảm mạnh chỉ còn 3000 - 4000 đồng /kg nhưng cũng có rất ít doanh nghiệp chịu mua". Hiện tại, cơ sở của chị đang tồn đọng khoảng 80.000 trái dừa khô, nhiều trái bắt đầu lên mầm. Cùng chung hoàn cảnh với chị Thắm là cơ sở của anh Hai Bút cũng đang chịu lỗ gần 500 triệu đồng, mỗi ngày chỉ sơ chế được hơn 1000 trái do thiếu đầu ra.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm dừa trong tỉnh cũng chịu thua lỗ nặng và đang hoạt động cầm chừng do thị trường tiêu thụ sụt giảm mạnh. Trong nhiều tháng qua, thị trường châu âu, châu Phi, Bắc Mỹ giảm nhập khẩu do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Đặc biệt, bất ổn chính trị ở Trung Đông – thị trường chính của sản phẩm dừa Bến Tre, cũng đã giảm sức mua rõ rệt. Mặt khác, năm nay các nước như In -àö-nê-xi-a, Xri Lan-ca và Phi -líp-pin cũng có sản lượng dừa tăng cao và đang tích cực giảm giá để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hầu hết các sản phẩm dừa Bến Tre xuất khẩu đều sụt giảm cả về sản lượng và giá thành. Theo bà Phạm Thị Hân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, giá cơm dừa nạo sấy giảm từ 3000 USD /tấn còn 1.300 USD /tấn, buộc các doanh nhiệp phải hạ giá thu mua nguyên liệu đầu vào, khiến nông dân càng thêm khó khăn.
Giải pháp nào cứu cây dừa?
Do giá dừa khô giảm mạnh, thu nhập thấp, một số hộ dân đã bắt đầu phá bỏ vườn dừa chuyển sang trồng cây khác hoặc lấy đất làm ao nuôi cá. Trong khi đó, nhiều hộ khác vẫn chưa thu hoạch với hy vọng giá sẽ tăng trong thời gian tới. Chính quyền địa phương và nhiều chuyên gia lo lắng có thể xảy ra tình trạng chặt dừa hàng loạt như năm 2000. Tỉnh đã phải đầu tư rất nhiều kinh phí và thời gian để khôi phục diện tích vườn dừa trong những năm sau. Bà Phạm Thị Hân cho biết, nếu tình trạng chặt dừa diễn ra ồ ạt thì năm sau các cơ sở chế biến và doanh nghiệp sản xuất chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Lúc đó, cả nông dân và doanh nghiệp sẽ lại gặp khó khăn.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bến Tre đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm động viên, giúp đỡ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn. UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ ngừng áp dụng thuế suất xuất khẩu dừa 3% được áp dụng từ tháng 5-2011 trở về mức 0% nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu dừa. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan hỗ trợ các cơ sở sơ chế và doanh nghiệp thu mua tại vườn và các bến tàu, bến cảng... UBND tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm dừa tăng giá mua dừa nguyên liệu. Tuy nhiên, cũng chỉ có Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX) chấp nhận thu mua dừa khô với giá cao hơn thị trường trong một thời gian. Hiện tại, các xí nghiệp của BETRIMEX đang hoạt động hết công suất nhằm giải quyết lượng dừa tồn đọng trong dân.
Sơ chế dừa tại một cơ sở ở xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre.
Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho biết: Ngoài những giải pháp mà UBND tỉnh và các doanh nghiệp đang tiến hành, cần phải có chương trình và kế hoạch cụ thể, lâu dài nhằm phát triển bền vững cây dừa. Các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sản phẩm dừa cũng phải tự vận động nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, tạo ra các sản phẩm chất lượng; tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm dừa... Đặc biệt, cần coi trọng sự liên kết giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân. Hiện tại, chưa có sự gắn kết nào giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân nên khi xảy ra khó khăn như việc giá dừa khô giảm, doanh nghiệp không có bất kỳ ràng buộc nào với nông dân.
Bộ Tài chính cho biết: Trước tình hình giá dừa trái liên tục giảm, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Bến Tre, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về việc giảm thuế xuất khẩu dừa trái từ 3% xuống 0% nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng dừa và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa xuất khẩu.
Làm gì để người dân trồng dừa thoát ra vòng luẩn quẩn “năm được – năm mất” hay nghịch lý “được mùa – méo mặt”? Nhiều người dân tại tỉnh Bến Tre đã tự tìm ra lời giải để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa giữ vững thương hiệu dừa Bến Tre. ông Sáu Điệp ở xã Nhơn Thạnh, luôn có thu nhập ổn định (gần 25 triệu đồng /tháng) dù giá cả có biến động trong những năm qua. Trên mảnh vườn rộng gần 2ha, ông trồng cả 3 loại dừa: Dừa ta, dừa xiêm, dừa dứa và nhiều cây ăn trái xen kẽ. ông cho biết, loại dừa ta có sản lượng cao, rất hợp với chất đất ở đây nhưng giá cả biến động theo từng năm nên người trồng không có thu nhập ổn định. Để giữ vững và phát triển loại dừa ta, người nông dân không nên trồng theo phong trào và nên trồng xen kẽ với các loại cây trái khác.
Theo Quân đội nhân dân

Nguồn:http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/193613/Default.aspx


Tin khác