Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước

14/05/2012

Tình hình sản xuất, tiêu thụ trong tháng 4 vẫn không có dấu hiệu cải thiện đáng kể khi những chỉ số quan trọng về sản xuất công nghiệp, thương mại vẫn thấp. Đặc biệt, lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. Năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu tăng 13% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước, tương đương 108,8 tỷ USD.

Sản xuất các sản phẩm từ cói ở DNTN Thành Hóa (Yên Nhạc-Yên Khánh-Ninh Bình).
Để đạt được mục tiêu này, vai trò Nhà nước cần được thể hiện rõ qua việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp (DN) cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng chính sách sản xuất và xuất khẩu thích ứng với hoàn cảnh hiện tại.
Ám ảnh hàng tồn kho
Thông thường thời điểm này hàng năm, Công ty Dệt may Phú Vĩnh Hưng, chuyên sản xuất xuất khẩu các sản phẩm bít tất đi một số thị trường châu Á và Đông Âu đã nhận được đơn hàng đến hết quý III. Tuy nhiên, năm nay, lượng đơn hàng nhận được mới chỉ đến khoảng giữa tháng 5. Tuy vậy, lãnh đạo DN này vẫn chỉ cho công nhân sản xuất cầm chừng, thậm chí phải cắt giảm nhân công một số bộ phận vì lượng hàng tồn kho nhiều.
Ông Trịnh Xuân Tùng, Giám đốc Công ty cho biết: “Lượng hàng tồn kho của DN hiện nay có thể đáp ứng cho nhu cầu đơn hàng đến hết quý II. Do vậy, DN chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm đã không còn hàng theo đơn đặt hàng mới. Mặc dù đã đẩy mạnh phân phối ra thị trường nội địa, nhưng do đây là mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm càng thấp, nên vẫn không cải thiện tình hình tồn kho”.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện nhiều ngành vẫn đang gặp khó khăn do chỉ số tồn kho tăng cao, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến tăng tới 32,1% so với cùng kỳ năm trước (giảm nhẹ 0,5% so với tháng trước). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, như: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 101,5%; chế biến và bảo quản rau quả 94,8%; các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào 90,8%; phân bón và hợp chất nitơ 63,4%; xay xát và sản xuất bột thô 51,5%; xi măng 44,2%; môtô, xe máy 38,9%; trang phục (trừ quần áo da lông thú) 35,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản 35,2%; xe có động cơ 31,6%.
Đặc biệt, hiện có nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng và thị trường tiêu thụ. Đơn cử như ngành dệt may, DN tiếp tục gặp khó khăn về lao động, vốn và đơn hàng. Dù bước vào mùa cao điểm trong năm, nhưng hầu hết DN mới chỉ có đơn hàng đến quý II, một số ít ký được đơn hàng đến quý III hoặc đang đàm phán hợp đồng.
Thêm vào đó, các DN sợi gặp thêm khó khăn về nhập khẩu bông rơi chải kỹ do thuế suất tăng từ 0% lên 10%, khiến DN phải tăng giá sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh trên chính thị trường nội địa.
Tập trung hỗ trợ trực tiếp cho DN
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, bên cạnh việc bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nhà nước cần có những hành động kịp thời nhằm khắc phục biểu hiện đình đốn của sản xuất trong nước. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ trực tiếp cho DN, làm sao để DN có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc cần làm là khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN, tiếp đó là xem xét cung cấp tín dụng cho các DN, ưu tiên DN xuất khẩu, DN vừa và nhỏ. Cùng với đó là các chính sách ân hạn thuế, giảm và miễn thuế cho một số DN.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, nằm trong các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm duy trì nguồn nguyên liệu, thúc đẩy các biện pháp để đầu vào của hàng hóa không bị đẩy giá lên cao. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống cũng như tăng cường tìm kiếm các thị trường mới. Trong đó, đặc biệt tập trung vào việc tìm hiểu thông tin, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sự thâm nhập của hàng hóa vào các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… Mặt khác, xem xét xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân; tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN trong nước, phù hợp với các nguyên tắc của WTO.
Gói giải pháp “miễn, giảm, giãn thuế” với tổng trị giá khoảng 25.000 tỉ đồng vừa được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất để cứu doanh nghiệp sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, da giày, dệt may... Đồng thời cũng nên gia hạn thuế VAT tháng 4, 5 và 6 trong sáu tháng đối các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động; giảm 50% tiền thuê đất đối với các DN kinh doanh lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại.
Về lâu dài, theo khuyến nghị chính sách thúc đẩy XK do nhóm chuyên gia kinh tế, đứng đầu là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra, cần phải xây dựng khung chính sách thương mại mới, bảo đảm các nguyên tắc đồng bộ với các chính sách thương mại hiện hành. Chính sách thương mại nên chiếm lĩnh cả những ngành hàng, xâm nhập vào chuỗi giá trị, xây dựng năng lực thể chế để thực hiện các biện pháp bảo hộ hợp pháp tinh tế và ưu tiên xây dựng một số liên minh ngành hàng chiến lược…
Để có thể thành công trong sân chơi chung của thế giới, cần phải cơ cấu lại DN theo hướng quản lý lành mạnh, tạo nội lực lớn, đủ tầm thâm nhập thị trường, cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin của thị trường đối tác, trong đó cần phải nắm rõ văn hóa đặc trưng của từng thị trường, hiểu rõ tiềm lực đối thủ cạnh tranh, cũng như những quy định mang tính bảo hộ của các quốc gia để bảo đảm hàng hóa có thể vượt qua các rào cản, thâm nhập sâu vào các thị trường lớn trên thế giới.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác