* Thiệt hại nặng do tôm hùm chết hàng loạt
Tuy nhiên, tình trạng tôm hùm chết hàng loạt do bệnh sữa, đen mang, đỏ thân xảy ra từ đầu năm nay và đến thời điểm này vẫn còn rải rác không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn là lời cảnh báo về môi trường sống bị đe dọa.
Đáng chú ý là dịch bệnh hầu như chỉ xảy ra trên tôm hùm nuôi thương phẩm và trong năm nay đã có hơn 500.000 con bị chết. Nếu tôm chết, thương lái chỉ mua với giá 30.000 đồng/kg loại 0,6 kg/con, trong khi tôm còn sống nhưng bị nhiễm bệnh giá bán ít nhất 270.000 đồng/kg (tôm đạt trọng lượng 1 kg/con nhưng không bị bệnh giá lên đến 2,2 triệu đồng/con). Đây là năm đầu tiên người nuôi tôm hùm bị thiệt hại nặng như vậy.
Nhiều nhất là Thị xã Sông Cầu với 22.000 lồng có tỉ lệ bệnh chết từ 10% đến 20%; riêng địa bàn xã Xuân Thịnh có hơn 7.000 lồng nuôi, hầu hết đều bị bệnh với tỉ lệ tôm chết từ 50% đến 70% với số lượng lên đến 350.000 con. Tại vùng nuôi Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa có 500 lồng nuôi (chiếm hơn 20% số lồng nuôi trong vùng) bị bệnh với tổng số 100.000 con…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, mặc dù các vùng nuôi trồng thủy sản đều nằm trong quy hoạch nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, trong khi đó sự phát triển tự phát theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường không được các cơ quan chức năng kiểm soát. Do đó, đã xảy ra tình trạng khá phổ biển là mật độ thả nuôi quá cao gấp 2 đến 3 lần so quy định; lượng thức ăn thừa trong quá trình nuôi tích tụ làm ô nhiễm môi trường nuôi; kèm theo đó năm nay thời tiết nuôi không thuận lợi làm cho mầm bệnh phát triển gây nên dịch bệnh.
Cụ thể như Thị xã Sông Cầu quy hoạch vùng nuôi tôm hùm lồng đến năm 2020 là 17.960 lồng nhưng hiện tại đã đạt hơn 22.000 lồng; huyện Tuy An quy hoạch vùng nuôi ở khu vực đảo Lao Mái Nhà chỉ 140 lồng nhưng hiện tại là 1.176 lồng và tại vùng nuôi Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa mặc dù không quy hoạch nhưng hiện tại có 460 hộ nuôi với 2.000 lồng.
Ngoài ra, theo tiêu chuẩn một lồng tôm hùm thương phẩm thể tích 27 mét khối (3x3x3 mét) chỉ nuôi 27 con nhưng thực tế mật độ nuôi trong lồng từ 50 đến 70 con, thậm chí có hộ nuôi đến 100 con. Đồng thời thức ăn cho tôm hùm là thức ăn tươi.
Nếu tính một ngày mỗi lồng nuôi tôm hùm thương phẩm sử dụng ít nhất 15 kg thức ăn tươi (cá, cua, ghẹ, ốc, sò…), nhưng lượng thức ăn dư thừa chiếm khoảng 15%, đó là chưa kể thức ăn nuôi các loài thủy sản khác. Như vậy, hàng ngày tại mỗi vùng nuôi tập trung có vài tấn thức ăn dư thừa bị lắng tụ dưới đáy nước nhưng không được xử lý dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm nặng.
* Bảo vệ môi trường vùng nuôi
Để giảm bớt thiệt hại cho người nuôi, vừa qua ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật xử lý môi trường và tạm thời đưa ra phác đồ phòng trị một số bệnh trên tôm hùm, Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư tỉnh Phú Yên đã mở 9 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho dân tại các vùng nuôi. Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên cũng liên tục thu mẫu nước các vùng nuôi để phân tích và đưa ra những cảnh báo môi trường nuôi.
Tuy nhiên, về lâu dài tỉnh Phú Yên cần sớm quy hoạch chi tiết vùng nuôi và tiến hành giao mặt nước cho người dân hoặc tổ chức, đơn vị và kiên quyết thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Bước đầu, UBND Thị xã Sông Cầu đã quy hoạch chi tiết tạm thời 150 hecta mặt nước biển ở hai thôn Phú Dương và Vịnh Hòa thuộc xã Xuân Thịnh và ra quyết định giao cấp mặt nước biển cho 40 tổ quản lý cộng đồng. Thị xã đang khảo sát tiếp 628 hecta vùng mặt nước biển ở xã Xuân Cảnh để đưa vào quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Tương tự, huyện Tuy An cũng đã quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm hùm ven biển với diện tích 30 hecta, trong đó 20 hecta Hòn Chùa thuộc xã An Chấn và 10 hecta tại khu vực Lao Mái Nhà thuộc xã An Hải. Đối với vùng nuôi Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên không đưa vào quy hoạch nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô và phát triển cảng biển Vũng Rô.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã cùng với việc thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản, phải kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp nuôi không có phép, không theo quy hoạch. UBND các xã tổ chức cho người dân đứng ra thành lập các tổ quản lý cộng đồng theo mô hình tổ tự quản để trên cơ sở đó kiểm soát việc thả nuôi theo đúng quy định, đảm bảo kiểm soát tối đa việc quá dư thừa lượng thức ăn để tránh ô nhiễm môi trường, thống nhất khoảng cách giữa các lồng nuôi theo quy định để đảm bảo an toàn môi trường cũng như đảm bảo an ninh trong vùng nuôi…/.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=522107