Sau hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Từ Liêm - huyện ven đô của TP.Hà Nội vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân chính là do Từ Liêm khó huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn.
Lúng túng trong thực hiện
Theo quy hoạch của TP. Hà Nội, Từ Liêm là huyện “vùng lõi” của thành phố có 16 xã, thị trấn với nhiều đặc điểm khác biệt so với những địa phương khác khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên hiện Từ Liêm chỉ còn khoảng 400ha đất nông nghiệp, chủ yếu được trồng hoa, rau màu với khoảng 8,7% lao động làm nông nghiệp. Tuy nhiên, huyện lại hướng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ đó làm “đòn bẩy” cho việc xây dựng NTM.
|
Sau hơn 2 năm xây dựng NTM, xã Phú Diễn chỉ có thêm 2 cái ao, hồ là được nạo vét, kè lại.
|
Trong số các xã của huyện Từ Liêm, hiện có nhiều xã không còn là… xã mà chuyển thành “phố không ra phố, làng không ra làng” như Phú Diễn, Xuân Phương, Tây Tựu. Như ở xã Tây Tựu, dù một số tuyến đường chính đang được cải tạo nâng cấp, nhưng vẫn rất hẹp không đạt tiêu chuẩn của NTM. Trong làng, đường sá càng trở nên chật hẹp hơn, nhà san sát, rãnh mương thì tắc nghẽn ô nhiễm.
Còn tại xã Phú Diễn, hình ảnh xây dựng NTM chỉ là cái ao đang kè dở. Hầu hết đường làng ngõ xóm vẫn y nguyên, chưa hề có dấu hiệu sự vào cuộc của nhân dân và chính quyền. Ông Phí Lê Bình- Chủ tịch UBND xã Phú Diễn cho biết: “Năm 2010, khi chúng tôi xây dựng NTM, xã đã đạt 15/19 tiêu chí như: Thu nhập đầu người, cơ cấu lao động, đường giao thông nông thôn… chỉ còn 4 tiêu chí chưa đạt được là: Môi trường, nhà văn hóa thôn, bưu điện văn hóa, trung tâm văn hóa. Song từ 2 năm qua, Phú Diễn vẫn chưa đạt thêm được tiêu chí nào”.
Vì sao nhân dân ngại đóng góp?
Theo đánh giá, hầu hết các xã của huyện Từ Liêm đều đang nhập cuộc xây dựng NTM rất chậm chạp. Một trong những nguyên nhân là do không thực hiện được việc dồn điền đổi thửa, không huy động được sự đóng góp của người dân, mà chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp là chính. Ông Phí Lê Bình nói thẳng: “Chúng tôi chỉ huy động được người dân đóng góp ngày công để quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, chứ tiền đóng góp thì dường như không có. Ngay như doanh nghiệp, nếu có ủng hộ cũng chỉ ở mức 300.000 – 500.000 đồng. Do đó, việc xây dựng NTM của xã chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của huyện, thành phố là chính”.
“Nguồn lực thực hiện xây dựng NTM chủ yếu vẫn dựa vào nguồn đầu tư của ngân sách, việc huy động đóng góp của dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đa dạng phương thức huy động nguồn lực trong dân. Việc lập Đề án xây dựng NTM ở các xã chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ và nhân dân...”. - TS Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội
|
Trái với đánh giá của phía chính quyền, nhiều hộ dân ở thôn Đức Diễn (xã Phú Diễn) đều khẳng định, sẵn sàng đóng góp tiền, nếu chính quyền sử dụng đồng tiền đúng mục đích. Thậm chí, với nhiều đoạn kênh mương chưa được xây dẫn đến nhiều hộ lấn chiếm hoặc vứt rác gây ô nhiễm, nhiều hộ đã đề nghị xã chỉ cần đứng ra “làm chứng”, còn họ sẽ bỏ 100% kinh phí để xây dựng. Tuy nhiên không hiểu sao chính quyền xã vẫn không đồng ý và họ trả lời dân rằng, do đoạn mương này vẫn còn tranh chấp.
Ông Lê Văn Thư- Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết: “Một trong những khó khăn của huyện là tiến hành quy hoạch và dồn điền đổi thửa. Việc dồn điền đổi thửa của huyện là 0% và việc quy hoạch nhà ở, khu sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, do đất chật, đa số người dân muốn giữ đất, nên rất khó thực hiện”.
Theo Nông thôn ngày nay