Đứng trước cảnh hoang tàn của những đầm tôm thuộc xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), ông Nguyễn Văn Bền, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, nhớ lại: “Mùa tôm năm ngoái, vùng nuôi tôm Mỹ Long Nam trúng đậm với tổng sản lượng thu hoạch gần 5.000 tấn tôm. Còn năm nay, tôm chết thành dịch, người nuôi gần như trắng tay”.
|
Do làm ăn thất bại, máy móc bị hoen gỉ vì phải tắm nắng, phơi sương.
|
Tôm chết thành dịch
Ông Phạm Văn Quắn (Út Quắn), nét mặt buồn so khi cả 9.000m2ao tôm của mình ở ấp Tư (xã Mỹ Long Nam) đã phải xổ bỏ. Nhìn cả trăm triệu đồng tuôn chảy theo nước ra ngoài kênh thuỷ lợi, Út Quắn tiếc rẻ: “Thời tiết năm nay tôm nuôi lớn rất mau, đạt xác (tỷ lệ sống cao) dữ lắm”. Theo ông Út Quắn, sau một tháng nuôi, dù tôm vẫn ăn bình thường nhưng xuất hiện vài con tấp mé (bám vô bờ), nên ông Út Quắn cho chạy quạt để “tiếp viện” oxy, nhưng lượng tôm tấp mé ngày càng nhiều; hai ngày sau, ông buộc phải xổ ao tôm bỏ đi vì không còn con tôm nào sống. “Như tui ăn thua gì, đại lý phân phối vật tư, thức ăn nuôi tôm, kinh nghiệm đầy mình như ông Trần Văn Tặng ở gần đây nè, ổng nuôi hơn 2ha cũng đã trắng tay sau 15 ngày thả giống”, ông Út Quắn nói.
Năm ngoái, mùa này về Mỹ Long Nam, đi sâu vào nội đồng, tiếng xình xịch của máy động lực kéo những giàn quạt tung nước trắng xoá trên bề mặt những ao tôm rộn vang cả cánh đồng, còn bây giờ, trên đồng tôm tĩnh mịch, các chòi canh tôm vắng bóng người do ao thì còn nhưng tôm đã chết vì dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Bền, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, đến nay, xã có trên 616ha ao nuôi được thả tôm giống, nhưng đã có 525ha tôm nuôi bị chết. Ông Bền cho rằng đầu vụ thả tôm giống lại gặp thời tiết khắc nghiệt như mưa trái mùa, bão số 1, nắng nóng mùa khô hạn… khiến cho vùng tôm Mỹ Long Nam gần như bị tan hoang. Đáng lo ngại hơn, “Vùng tôm Mỹ Long Nam đang bị độc chất bao vây khi các mẫu nước thu được trên các sông, kênh qua phân tích cho kết quả có dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn ngưỡng cho phép”, ông Bền nói.
Tại vùng nuôi tôm ở phía nam sông Hậu, ông Bùi Hoàng Anh (Hai Anh), ở ấp Hoà Muôn (huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) – người nhiều năm liền thành công với mô hình nuôi tôm sú mật độ thưa – cũng lắc đầu chào thua khi đầu vụ ông cho thả giống, chỉ sau khoảng 15 ngày là tôm chết đồng loạt. Theo ông Hai Anh, môi trường nuôi tôm của cả vùng đang có vấn đề, bởi lẽ, tôm chết ngày càng nhiều và không loại trừ bất cứ mô hình nuôi tôm nào.
Độc chất bao vây
Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến nay, toàn tỉnh đã thả giống tôm sú trên diện tích gần 19.000ha, trong đó diện tích thả tôm giống bị thiệt hại khoảng 2.500ha. Ngoài chuyện tôm chết là do vùng nuôi thâm canh nhiều năm bị ô nhiễm môi trường, điều đáng quan ngại hơn là tôm chết còn do nguồn nước nuôi tôm của toàn vùng bị ô nhiễm bởi dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật.
Qua các mẫu nước thu được tại các cửa sông, cống cấp nước cho các vùng nuôi tôm (do trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, phân tích) cho thấy: nồng độ đều vượt giới hạn cho phép đối với con tôm sú nuôi và tôm sú có khả năng chết trong vòng 35 ngày nếu nuôi trong môi trường nước này. Cụ thể, phân tích sáu mẫu nước thu được ở các tuyến sông đầu nguồn như: La Bang, Cầu Rạch Gốc, Thâu Râu, Long Vĩnh, Hiệp Mỹ, Long Toàn, đều phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin với nồng độ dao động từ: 0,010 – 0,042µg/l. Bên cạnh đó, năm ngoái, do sử dụng sản phẩm thảo dược EVIRO để xử lý ao tôm đã khiến cho 33 hộ nuôi tôm điêu đứng do 31ha ao tôm bị chết sạch.
Ông Nguyễn Văn Khởi, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỷ lệ thiệt hại diện tích tôm nuôi ở tỉnh Sóc Trăng dưới mức 20% trong tổng số 11.000ha diện tích thả tôm giống. Những vùng bị thiệt hại từ 40 – 50% diện tích nuôi tôm xảy ra cục bộ ở một số địa phương như: xã Trung Bình, Liêu Tú (huyện Trần Đề); xã Hoà Đông (thị xã Vĩnh Châu). Theo ông Khởi, việc nuôi tôm đã làm tồn lưu độc chất trong môi trường, nhưng trong thực tế, do những vùng nuôi tôm và nhiều mô hình canh tác khác nằm đan xen với nhau, nên việc quản lý chất lượng môi trường là gần như không thể.
Trà Vinh: công bố dịch bệnh trên tôm nuôi
UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định số 534/QĐ-UBND ngày 19.4, “Công bố dịch bệnh hội chứng hoại tử gan tuỵ, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu trên tôm nuôi trên địa bàn huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang có trách nhiệm áp dụng triệt để các biện pháp ngăn chặn, khống chế dập tắt dịch bệnh, không để lây lan sang nơi khác. Huyện Cầu Ngang hiện có khoảng 1.900ha tôm nuôi của 2.724 hộ dân bị chết giống, ước thiệt hại khoảng 350 tỉ đồng. Hiện tượng tôm chết thành dịch tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông… với mức độ thiệt hại từ 70 – 90%.
|
Theo Sài Gòn tiếp thị