Năm nay mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, một số tỉnh cao nguyên đã có vài trận mưa. Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc quả cà phê bắt đầu tăng nhanh về kích thước, thể tích.
Cùng lúc đó, cành, chồi trên cây cà phê có sự tăng trưởng nhanh. Do vậy cần cung cấp đầy đủ và hợp lý các nguyên tố dinh dưỡng theo đúng nhu cầu giai đoạn đầu nuôi trái.
Mặt khác, song song với việc cung cấp dinh dưỡng cũng cần phải quan tâm tới điều kiện ánh sáng, sâu bệnh và cỏ dại. Cần điều tiết ánh sáng cho phù hợp với tình trạng sinh lý của cây để cây vừa nuôi quả tốt vừa tạo ra bộ khung cành dự trữ khỏe mạnh cho năm tiếp theo. Các biện pháp chăm sóc chủ yếu cho vườn cà phê trong mùa mưa như sau:
|
Mùa mưa là giai đoạn cà phê nuôi trái, là cơ hội để nông dân tăng chất lượng quả qua bón phân.
|
Tỉa cành tạo tán: Chồi vượt phát triển rất nhanh trong mùa mưa, do vậy cần tỉa hết chồi vượt (đánh chồi) kịp thời. Trung bình 1 tháng đánh chồi vượt 1 lần. Tỉa hết các cành tăm, cành nhớt mọc quá nhiều ở cùng một vị trí đốt cành, chỉ để lại không quá 3 cành dự trữ được phát sinh. Chú ý vặt các cành thứ cấp mọc dày trên đỉnh tán tạo điều kiện để ánh sáng lọt vào bộ tán giúp cà phê quang hợp tốt hơn thì quả mới mau to.
Trong các vườn cà phê kinh doanh có trồng các cây che bóng như keo dậu, muồng đen, hoa hồi… cần rong tỉa cây che bóng kịp thời ngay vào đầu mùa mưa để tăng cường ánh sáng cho vườn cây, giúp cành lá cà phê phát sinh vào đầu mùa mưa được khỏe mạnh, không bị che bóng thiếu ánh sáng làm lá cà phê mỏng, yếu, xanh nhạt. Đầu mùa mưa rong tỉa mạnh, chỉ để lại 1 - 2 cành hút nhựa nhỏ cho cây che bóng, chú ý không làm gãy, giập cành cà phê. Giữ yên cành lá cây che bóng được rong tỉa xuống trong vườn cà phê một thời gian cho lá rụng xuống làm phân xanh, trả lại hữu cơ cho đất. Sau đó mới chuyển các cành to ra khỏi vườn để tiện việc đi lại.
Làm cỏ, sửa bồn: Mùa mưa, cỏ dại phát triển mạnh nhất sẽ tranh chấp dinh dưỡng với cà phê, đồng thời còn là nơi cư trú và phát tán sâu bệnh hại lên cây cà phê. Do vậy, thường xuyên phải làm cỏ hoặc xịt thuốc trừ cỏ. Mặt khác, để giữ phân và giữ nước, khi tưới hoặc bón phân trên các bồn cà phê cần được sửa sang, nạo vét kết hợp xới bồn nhằm phá váng tạo thông thoáng cung cấp đủ oxy cho hệ rễ cà phê phát triển. Công việc làm cỏ và nạo vét, sửa bồn cũng rất cần thiết trong khâu chăm sóc cà phê đầu mùa mưa.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa
(Trung tâm Nghiên cứu Đất-Phân bón & Môi trường phía Nam).
Theo Nông thôn ngày nay