Quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung ở Nam Bộ: Cần gắn với thị trường tiêu thụ

17/04/2012

Tại Hội nghị quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung ở Nam Bộ và đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, bên cạnh việc mổ xẻ những bất cập của ngành, nhiều chuyên gia cho rằng, vùng cây ăn trái tập trung sẽ không thể phát triển bền vững nếu không gắn quy hoạch với thị trường.

Đầu ra, nan giải
Có thể nói, những năm gần đây, câu chuyện được mùa rớt giá cứ lặp đi lặp lại trong ngành rau quả. Việc 12kg chôm chôm mới đổi được 1 tô phở hay vài chục ký thanh long mới mua được 1 lít dầu ăn... không phải là chuyện mới mẻ. Bởi lẽ ngoài thương lái, nhà vườn trồng trái cây hiện nay không biết bán sản phẩm cho ai.
Hiện, việc tiêu thụ trái cây phần lớn phụ thuộc vào thương lái.
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), hiện có tới 90% sản lượng trái cây sản xuất trong nước được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có khoảng 3% sản lượng được nông dân tự bán lẻ đến tay người tiêu dùng, 85% sản lượng trái cây từ các nông hộ và HTX được tiêu thụ thông qua thương lái. Từ thương lái, chỉ có một số lượng nhỏ trái cây được chuyển thẳng đến sạp, số còn lại phải thông qua lực lượng bán buôn trước khi ra sạp, vào siêu thị hoặc xuất khẩu.
TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, chính vì phải thông qua thương lái và người bán buôn nên chuỗi cung ứng mặt hàng trái cây hiện nay hầu như hoàn toàn bị đội ngũ trung gian này chi phối. Từ hộ gia đình, HTX đến doanh nghiệp đều phải nhờ đến thương lái. Tuy nhiên, bà Mai cũng nhận định: “Thực ra đổ hết lỗi cho thương lái cũng không hoàn toàn đúng. Nếu không có thương lái thì khó mà thu mua hết được lượng trái cây trong dân. Cái chính ở đây là chúng ta chưa thực sự tổ chức được liên kết chuỗi giá trị. Người sản xuất, thương lái và doanh nghiệp chưa có sự gắn kết, ràng buộc nhau, vì thế dân làm ra thì tự bán cho ai mua giá cao, thương lái ép giá để mua rẻ bán đắt, còn doanh nghiệp ít khi quan tâm nông dân bán giá bao nhiêu, trồng như thế nào”.
Theo bà Mai, nếu quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung thì cần phải dựa trên đầu ra của sản phẩm. “Có thể quy hoạch chọn trái cây đặc sản, chất lượng để trồng tập trung, phát triển trên mấy ngàn hecta nhưng trồng nhiều như vậy bán ra cho ai, bán được không? Ai chịu trách nhiệm quản lý rủi ro? Ta cổ vũ nông dân trồng theo GAP nhưng giá bán thì chỉ bằng trái cây thường, không có doanh nghiệp đứng ra thu mua. Vì vậy, đầu ra ổn định, đảm bảo lợi nhuận là yếu tố quan trọng giúp mô hình sản xuất GAP được nhân rộng”, bà Mai nhấn mạnh.
Quy hoạch cả sản xuất và chế biến
Theo ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp thuộc Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp miền Nam, hiện nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tỉnh chỉ có một vài cơ sở chế biến và đóng gói nên gây không ít khó khăn cho nông dân khi muốn vận chuyển nông sản đi xa. Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản nhưng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất, bảo quản, chế biến chưa bền vững. Do đó, chưa tận dụng được hết công suất, hiệu quả của các nhà máy, đồng thời tác động làm cho giá cả hàng hoá thiếu ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất.
Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển kinh tế tập thể trong ngành hàng rau quả nói chung và trái cây nói riêng chưa hiệu quả. HTX nông nghiệp còn quá nhiều hạn chế và yếu kém cả về tổ chức, quản lý và hoạt động. Trong quản lý, sản xuất kinh doanh, nhiều HTX còn lệ thuộc rất lớn vào chính quyền địa phương. Đa số các HTX khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu vốn, không đủ sức cạnh tranh với tư nhân. Cơ chế cho HTX vay vốn còn bất cập, thiếu cập nhật thông tin thị trường... nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Hơn nữa, do nguồn lực hạn chế nên việc đầu tư chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa thực sự được các HTX, tổ hợp tác quan tâm dẫn đến sản phẩm thiếu tính cạnh tranh so với những mặt hàng cùng loại được sản xuất với quy mô nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Lộc, chuyên viên ngành cây ăn quả của IPSARD cho rằng, hiện nay việc tiêu thụ rau và trái cây ở thị trường nội địa có xu hướng tăng lên, đặc biệt là các loại trái cây có giá trị. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn của các sản phẩm trái cây, kể cả trái cây tươi và trái cây chế biến. Tuy nhiên, họ luôn gặp khó khăn trong việc mua sản phẩm vì không thể phân biệt được đâu là hàng chất lượng tốt, đâu là hàng kém chất lượng. Vì thế để đẩy mạnh việc tiêu thụ trái cây ở thị trường nội địa, theo ông Lộc, cần phải xem xét kỹ lại hệ thống phân phối các mặt hàng này. “Nếu các loại trái cây đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP mà được dán nhãn phân biệt để người tiêu dùng biết thì việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn. Cả nhà vườn và doanh nghiệp đều có thể tạo được lòng tin ở thị trường nội địa”, ông Lộc nói.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác