|
Ông Nguyễn Trí Ngọc |
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những giải pháp để bảo vệ hiệu quả diện tích đất lúa.
Phóng viên (PV): Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã được Quốc hội phê duyệt là phải bảo vệ được 3,8 triệu ha đất lúa. Theo ông, giải pháp nào để bảo vệ được diện tích này trong thời gian tới?
Trước hết, chúng ta phải thấy rằng, đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng là tư liệu sản xuất quan trọng đối với quốc gia. Vì vậy, việc giữ gìn đất đai, đặc biệt giữ được đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa có ý nghĩa rất quan trọng. Với Việt Nam, là một đất nước nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, một đất nước mà nguồn lương thực chủ yếu để nuôi sống gần 90 triệu dân là lúa gạo, do đó giữ được đất lúa, giữ đựơc 3,8 triệu ha là đồng nghĩa với việc đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia cả về trước mắt và lâu dài. Do đó chúng ta phải có nhiều giải pháp đồng bộ thì mới hạn chế được việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Một trong những giải pháp quan trọng, trước hết theo tôi đó là phải hạn chế được tối đa được việc chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ, phải làm đúng theo Luật Đất đai và phải theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hiện Chính phủ đã có quy định, trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 2ha trở lên đối với diện tích chuyên trồng lúa nước và từ 20ha trở lên đối với diện tích trồng lúa thì phải báo cáo và xin phép Thủ tướng Chính phủ. Việc làm này có gì khác với Luật Đất đai hay không? Tôi xin khẳng định là nó không khác gì so với Luật Đất đai, mà nó chỉ làm chặt chẽ thêm việc chúng ta quản lý đất lúa, để tất cả những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất được kiểm soát chặt chẽ.
Giải pháp thứ hai là chúng ta phải làm sao để các địa phương được giao nhiều đất lúa, các hộ nông dân được giao sử dụng đất nông nghiệp phải sống được bằng nghề trồng lúa, có như vậy, địa phương đó, người nông dân đó mới yên tâm sản xuất để phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia.
Thực tế, theo quy định hiện nay, các địa phương phải tự cân đối ngân sách mà một trong những nguồn thu chính của ngân sách địa phương lại là đất đai, nhiều địa phương có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu này, do đó, để có nguồn thu phục vụ sự phát triển kinh tế, họ rất dễ dàng chấp thuận cho những dự án được lấy đất nông nghiệp trên địa phương của mình. Đây là mối lo ngại rất lớn, vì nó ảnh hưởng đến việc bảo vệ đất lúa, do vậy chúng ta phải hạn chế được tối đa thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất của địa phương. Để làm được điều này, đòi hỏi Chính phủ phải có sự hỗ trợ ngân sách cho các địa phương, có như vậy mới đảm bảo hoạt động chi của các địa phương và họ mới không ồ ạt chuyển hoá đất đai.
Giải pháp thứ ba, đó là phải đảm bảo người trồng lúa sống được bằng nghề trồng lúa, Việt Nam có lợi thế để phát triển nông nghiệp song hiện nay người nông dân, đặc biệt là người trồng lúa lại có thu nhập rất thấp, vì vậy phải hỗ trợ để họ có thể sống được bằng nghề.
Hiện nay chúng ta đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân như: hỗ trợ cây trồng, hỗ trợ thiên tai, miễn thuỷ lợi phí... nhưng phải có thêm những sự hỗ trợ trực tiếp cho chính những người trồng lúa, có như vậy chúng ta mới đảm bảo được giữ đất lúa và đảm bảo an ninh lương thực lâu dài cho đất nước.
PV: Nhiều diện tích "bờ xôi ruộng mật" đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng khá nhiều trong thời gian qua nhưng đến giờ chúng ta mới quyết tâm để bảo vệ đất lúa, liệu có muộn so với yêu cầu của thực tế, thưa ông?
Về mặt thời gian để chúng ta nghĩ đến vấn đề này không phải là muộn, chỉ có điều từ những ý tưởng chỉ đạo đó đến với cuộc sống vẫn cần có một khoảng thời gian. Tuy nhiên, đó cũng là khoảng thời gian quá dài, vì vậy đất trồng lúa của chúng ta tiếp tục bị mất đi.
Đến thời điểm này, thời điểm quyết liệt để giữ đất trồng lúa, theo tôi cũng là thời điểm hội tụ đủ yếu tố cần và đủ để triển khai vấn đề này, vì vậy chúng ta cần phải đẩy nhanh và hiệu quả hơn việc bảo vệ diện tích đất trồng lúa
|
Nông dân thu hoạch lúa.
|
PV: Trong vấn đề bảo vệ đất lúa, điều cốt lõi là phải có quy hoạch, hiện ngành nông nghiệp đã triển khai xây dựng quy hoạch ra sao, thưa ông?
Trước khi Chính phủ thông qua nghị định về đất trồng lúa, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quy hoạch đất để bảo đảm giữ được 3,8 triệu ha. Hiện quy hoạch này đã được Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ đất lúa.
Trên cơ sở phê duyệt quy hoạch và kế hoạch, chúng tôi đang tiến hành cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương quy hoạch chi tiết đất lúa với diện tích đã được công khai trong Nghị quyết vừa rồi của Quốc hội.
PV: Rất nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đề nghị giảm diện tích đất lúa xuống chỉ còn 3,6 triệu ha. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây là nhận thức, nếu chỉ nhận thức cục bộ từ phía địa phương thì không thể thấy được tầm quan trọng của an ninh lương thực quốc gia và vì thế sẽ không được Chính phủ và Quốc hội chấp nhận. Theo quan điểm của những người làm chuyên môn như chúng tôi, đất lúa được hình thành sau hàng triệu năm và có ý nghĩa to lớn đối với an ninh lương thực quốc gia, do đó phải cương quyết gìn giữ.
Đúng là ở các địa phương có diện tích trồng lúa lớn, nguồn thu ngân sách sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của địa phương. Do đó, cần phải có sự hỗ trợ về ngân sách cho các địa phương này và đặc biệt, trong quá trình phân bổ ngân sách cho địa phương, cần ưu tiên cho các địa phương trồng nhiều lúa.
PV: Để bảo vệ tốt được diện tích đất lúa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có chế tài mạnh, theo quan điểm của ông thì chúng ta sẽ cần có chế tài như thế nào để bảo vệ hiệu quả diện tích đất lúa?
Thực tế, việc bảo vệ và gìn giữ được 3,8 triệu ha đất lúa còn có nhiều khó khăn, do đó, các bộ, ngành có liên quan cần phải tham mưu và đề xuất với Chính phủ những chế tài thật mạnh, đảm bảo đủ sức răn đe với những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai và hành vi không thực hiện đúng theo quy hoạch đất lúa đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cá nhân tôi cũng mong muốn những hành vi vi phạm phải được xử lý chặt chẽ; các địa phương cũng cần công khai, minh bạch trong quản lý khai thác và sử dụng đất đai. Ngoài ra, chúng ta cần phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người nông dân, quyền làm chủ của người được giao sở hữu đất, có như vậy họ mới gắn bó và đầu tư hiệu quả cho mảnh đất của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=514160