Tái canh cà phê: Không thể nóng vội!

13/03/2012

Trong khi sản lượng càphê của một số quốc gia như Brazil, Indonesia... đều được dự báo sẽ tăng mạnh trong niên vụ tới thì sản lượng càphê của Việt Nam lại có nguy cơ sụt giảm do hàng trăm ngàn hecta càphê ở khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng "lão hóa" mà việc thay thế, tái canh lại gặp nhiều trở ngại.

Trẻ hóa vườn cà phê góp phần tăng năng suất, sản lượng.
Dân ngại bỏ vườn già
Theo thống kê của Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện có khoảng 30% diện tích càphê của Việt Nam đang già cỗi cần phải tái canh, tập trung chủ yếu tại Đắk Lắk và Lâm Đồng. Đắk Lắk hiện có trên 185.000ha càphê, sản lượng hàng năm đạt 380.000 tấn càphê nhân. Tuy nhiên, 51% diện tích càphê ở tỉnh này có độ tuổi trên 15 năm, nên trong 5-10 năm nữa, cây sẽ bị "lão hóa", hết chu kỳ kinh doanh cho hiệu quả, phải cưa đốn, phục hồi, hoặc tái canh.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đề án Phát triển càphê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng nhằm duy trì ổn định diện tích 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ. Tuy nhiên, hiện nay, do tình trạng trồng càphê manh mún, nhỏ lẻ quy mô nông hộ nên việc tái canh hết sức khó khăn. "Cả tỉnh có khoảng 180.000 hộ trồng càphê, trong đó số hộ có quy mô dưới 1ha chiếm gần 70%. Nếu buộc phải cưa đốn cây để "trẻ hóa" thì sẽ mất đi sản lượng thu hoạch hàng năm, ảnh hưởng đến đời sống của các gia đình. Vì thế nhiều hộ dù biết vườn càphê đã già nhưng cũng không dám cưa đi trồng mới mà chỉ cố gắng chăm sóc để tận thu", ông Sinh nói.
Tương tự như ở Đắk Lắk, tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 40.000ha càphê ở độ tuổi từ 15-30 năm (chiếm hơn 27%). Tỉnh này cũng đưa ra chiến lược đến năm 2015 sẽ trồng mới 33.000ha càphê bằng phương pháp ghép chồi, trồng cây ghép và trồng cây thực sinh. Tuy nhiên, để thực hiện đề án này điều trở ngại nhất vẫn là hỗ trợ và vận động bà con chủ động đốn bỏ diện tích càphê già cỗi để trồng mới. Vì thực tế việc trồng lại vườn càphê sẽ khiến nông dân chi một khoản tiền lớn để mua giống mới và chăm sóc trong những năm đầu. Trong khi người dân luôn có tâm lý tiếc rẻ, ngại phá bỏ nguồn thu ổn định dù biết rằng vườn càphê của mình đã đến thời kỳ thoái hóa.
Lộ trình chậm mà chắc
Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, việc tái canh diện tích càphê đang bị nhiễm bệnh hoặc già cỗi là rất cần thiết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành càphê. Tuy nhiên, khi tái canh các vườn càphê già cỗi, nhiễm bệnh thì quy trình kỹ thuật cần phải được tuân thủ hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt, không thể làm nóng vội. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi đốn bỏ diện tích càphê nhiễm bệnh vàng lá để trồng mới thì đã thất bại vì cây càphê mới trồng tiếp tục bị bệnh và chết. Nguyên nhân ở đây là quy trình kỹ thuật đã không được tuân thủ nghiêm ngặt.
Ông Báu cho rằng, để tái canh vườn càphê hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ việc tạo cây giống sạch bệnh đến tăng cường phân bón hữu cơ để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng. Đặc biệt, khi phá bỏ vườn cây đã bị "lão hoá" thì phải luân canh từ 2 - 4 năm và không được trồng các loại cây ký chủ của tuyến trùng mà nên trồng những loại cây như đậu, đỗ, ngô, bông vải và phải thực hiện các biện pháp rà và thu gom toàn bộ rễ cây càphê cũ nhằm loại bỏ nguồn dịch hại trên đồng ruộng.
Đứng từ góc độ kinh doanh ngành hàng càphê, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, quá trình tái canh cây càphê sẽ khiến sản lượng càphê trong nước sụt giảm đáng kể. Vì thế, các địa phương cần phải tính toán và có chiến lược "trẻ hóa" càphê phù hợp để tránh gây xáo trộn mạnh trên thị trường. Thay vì chặt bỏ, có thể áp dụng phương pháp tái canh bằng ghép chồi.
Theo tính toán của Vicofa, để tái canh 1ha càphê cần ít nhất 100 triệu đồng. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ vốn để nông dân yên tâm phá bỏ diện tích già cỗi là hết sức cần thiết.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/3/33049.html


Tin khác