|
Tập đoàn Thái Hòa liên kết với nông dân trồng cà phê để tạo sức mạnh cạnh tranh.
|
Nông dân hưởng lợi thấp nhất
Theo Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cả nước hiện có 140 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu càphê, trong đó có 12 doanh nghiệp FDI. Trong số 50 doanh nghiệp lớn thì 12 doanh nghiệp FDI xuất khẩu 380.000 tấn, 38 doanh nghiệp trong nước xuất 790.000 tấn; 90 doanh nghiệp còn lại chỉ xuất chừng 30.000 tấn, trong khi ngành càphê được coi là mang lại lợi nhuận cho cả người trồng lẫn nhà rang xay, chế biến sâu. Trong chuỗi này, nông dân chỉ hưởng lợi 13%, nhà máy chế biến 25%, còn lại thuộc về những nhà rang xay và chế biến càphê. Chính vì thế, việc doanh nghiệp ngoại giành ưu thế trong việc thu mua nguyên liệu cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận rơi vào túi họ nhiều hơn. Đây là nghịch lý đối với một nước xuất khẩu càphê thuộc top đầu thế giới như Việt Nam.
Có quá nhiều lý do để giải thích vì sao doanh nghiệp nội lại lép vế trong cuộc chơi này. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa chia sẻ, doanh nghiệp trong nước luôn yếu thế hơn so với doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI kinh doanh trực tiếp với các thương nhân rang xay càphê trên sàn giao dịch, họ có hệ thống chi nhánh trên cả nước để thu mua sản phẩm đến từng hộ nông dân. Họ cũng nắm bắt tốt hơn diễn biến thị trường nên luôn đưa ra chiến lược kinh doanh hợp lý. Và đặc biệt, họ có nguồn tài chính hùng hậu hơn so với các doanh nghiệp trong nước.
Ngược lại, chuyên gia ngành hàng càphê Đoàn Triệu Nhạn cho rằng, ngành kinh doanh càphê đầy rủi ro, nông dân phải có càphê dự trữ, còn doanh nghiệp ký hợp đồng phải có càphê bán, trong khi việc tiếp cận vốn rất chật vật. Mặc dù việc tranh mua sẽ góp phần đẩy giá càphê lên cao và khi ấy nông dân sẽ có lợi song nếu cứ chạy theo ngoại mà bỏ nội thì đến một lúc nào đó, doanh nghiệp không thu mua nữa, chính nông dân sẽ thiệt thòi.
Liên kết, giải pháp duy nhất
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu các doanh nghiệp trong nước không chủ động tìm cách thoát khỏi khó khăn thì trong tương lai không xa, doanh nghiệp FDI sẽ làm chủ hoàn toàn cuộc chơi. Bởi thực tế cho thấy, khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cuộc cạnh tranh về vấn đề nguyên liệu sẽ diễn ra công bằng, ai mạnh sẽ chiếm lĩnh thị phần.
Lường trước được khó khăn này, nhiều năm qua, Tập đoàn Thái Hòa đã đi trước một bước khi cho xây dựng nhà máy sát vùng nguyên liệu. Để nâng cao chất lượng, Thái Hòa đã tổ chức giúp nông dân sản xuất theo bộ chứng nhận chất lượng. "Chúng tôi đang xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nói là "4 nhà" nhưng thực chất doanh nghiệp đang đóng 2 vai trò, vừa là doanh nghiệp, vừa là nhà khoa học để tư vấn cho nông dân. Chỉ có liên kết với nông dân thì doanh nghiệp sẽ không còn phải lo tranh mua nguyên liệu như hiện nay", ông An nói.
Hiện, các doanh nghiệp FDI thu mua càphê với số lượng không lớn, nếu chúng ta tổ chức được mối liên kết với nông nhân thì sẽ không sợ bị cạnh tranh. Cái chính là doanh nghiệp nội chưa tổ chức được trong khi doanh nghiệp FDI hầu hết là tập đoàn lớn, họ thu mua có tổ chức.
Một vấn đề khác cần phải bàn tới là việc Việt Nam có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu càphê nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì thế phải nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tổ chức lại sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng cao.
Được biết, Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam và các địa phương đang dần thay đổi phương thức sản xuất để giảm bớt hiện tượng tranh mua, tranh bán. Hiệp hội cũng đề xuất một mô hình mới là đưa càphê vào ngành hàng có điều kiện, gắn vấn đề tiêu thụ với hỗ trợ cho nông dân để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo Kinh tế nông thôn