XK hàng thủ công mỹ nghệ vào Nhật Bản: Cần chú trọng khâu thiết kế!

28/02/2012

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam đã tốn không ít công sức nhưng vẫn chưa thể đặt chân vào thị trường Nhật Bản khó tính. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường này đã bão hòa, nhưng nếu các DN có chiến lược tiếp cận phù hợp thì chắc chắn sẽ ký được nhiều hợp đồng lớn.

Sản xuất đĩa sơn mài XK từ cây nứa tại DN Thành Hóa, xã Khánh Nhạc (Yên Mô-Ninh Bình).
Đã tận dụng hết cơ hội?
Hàng TCMN của Việt Nam thường không sản xuất tập trung mà nằm rải rác ở rất nhiều làng nghề trong cả nước. Vì vậy, việc thu gom hàng hoá rất khó khăn nếu có đơn hàng lớn.
Những năm qua, trong số các mặt hàng TCMN của nước ta xuất sang Nhật Bản thì gốm sứ, đồ gỗ nội thất và mây tre đan là các mặt hàng chính, kim ngạch chiếm từ 50-85% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN của cả nước vào thị trường này hàng năm. Từ năm 1996 trở lại đây, Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu mây tre đan lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra cho việc xuất khẩu hàng TCMN vào thị trường Nhật Bản, đơn cử như tỷ trọng còn nhỏ bé so với tiềm năng. Ngoài ra, luật lệ, thủ tục nhập khẩu của Nhật Bản rất rườm rà, phức tạp và ngày càng yêu cầu cao, do đó các DN cần phải có chiến lược phù hợp nhằm đáp ứng những yêu cầu này.
Điều đáng nói là, các DN Việt Nam vẫn chưa chủ động và có chiến lược phát triển lâu dài vào Nhật Bản mà phần lớn là làm theo kiểu phi vụ hợp đồng nên tính ổn định trong xuất khẩu thấp, chưa kể hàng của các DN còn yếu về chất lượng, khả năng tiếp cận thị trường kém, do đó hàng TCMN của Việt Nam luôn ở thế khiêm tốn so với hàng Trung Quốc, Philippines, Đài Loan…
Yếu khâu thiết kế sản phẩm
Người Nhật ngày nay rất ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm làm bằng gỗ ép, nhựa giả mây, gốm sứ kết hợp sơn mài hay mây, gỗ kết hợp với kim loại..., Các sản phẩm làm bằng một loại nguyên liệu đơn thuần như mây, tre, lá rất khó bán tại Nhật.
Ông Hiroshi Sakamato, chuyên gia về hàng trang trí nội thất, Chủ tịch Công ty cổ phần The Sense of Life nhấn mạnh, khách hàng Nhật Bản vốn thực dụng nên họ rất quan tâm tới hiệu quả sử dụng của các sản phẩm TCMN, đó phải là loại hàng vừa độc đáo, vừa tiện lợi. Nếu các DN Việt Nam tận dụng được những điều này thì sẽ tìm được khách hàng tại Nhật Bản. Các bạn không nên nghĩ tới việc xuất khẩu sang Nhật Bản những đồ trang trí trong nhà cồng kềnh và chẳng rõ công năng sử dụng, vì người Nhật thường không có phòng ở rộng rãi".
Theo ông Tokayoshi Nagashima, Chủ tịch Công ty AIK, để vào được thị trường Nhật Bản, vấn đề không phải là giá cả mà là khâu thiết kế sản phẩm. Cái khó nhất là làm sao phát triển được các sản phẩm mới lạ, độc đáo, tìm ra nhiều công dụng mới của sản phẩm đó. Hiện, nhiều DN Việt Nam vẫn đi theo lối cũ là sản xuất các sản phẩm vốn để xuất sang châu Âu và Hoa Kỳ. Người Nhật hiện nay sống nhiều trong các chung cư chật hẹp, họ không thể mua những sản phẩm trang trí nhà cửa quá lớn. Chẳng hạn, các bộ bàn ghế bằng gỗ gụ, gỗ táu to, nặng, có độ bền cao bán rất tốt ở các nước Âu, Mỹ nhưng không bán được ở Nhật Bản.
Thực tế, nhiều DN Việt Nam chuyên làm gia công theo đơn hàng của công ty nước ngoài, gắn nhãn mác của nước ngoài. Vì vậy, các bạn nên mạnh dạn đổi mới nguyên liệu, mẫu mã, phát triển các sản phẩm mới, có chiến lược quảng bá rộng rãi và phải làm được thương hiệu của riêng mình, mang bản sắc dân tộc Việt", ông Nagashima khuyên.
Các chuyên gia đều cho rằng, hàng TCMN của Việt Nam còn nghèo nàn về kiểu dáng, nhiều nghệ nhân chưa có ý thức làm các sản phẩm thị trường cần mặc dù họ có thể tạo ra những sản phẩm truyền thống hết sức tinh tế.
"Ban đầu, chúng tôi có ấn tượng rất tốt về mặt hàng được chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, các thợ thủ công chỉ biết làm sản phẩm theo cảm hứng chứ chưa khai thác các sản phẩm mới nên rất khó xuất ra nước ngoài. Các DN muốn thành công trên thương trường quốc tế, nhất là Nhật Bản, phải làm được cùng lúc 2 việc: bảo vệ sản phẩm và thiết kế sản phẩm mới. Dù lợi nhuận trước mắt chưa có, nhưng về lâu dài nó sẽ quyết định sự tồn tại của hàng thủ công đó", ông Nagashima nhấn mạnh.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác