Khủng hoảng tài chính, chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng cao, chi phí vật tư đầu vào tăng… đang trở thành rào cản lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng các hiệp hội ngành hàng bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
|
VFA đang kiến nghị thu mua dự trữ lúa gạo sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân.
|
Các ngành hàng chủ lực đều gặp khó
Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu được coi là sáng giá nhất trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, tuy nhiên, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay: Tháng 1/2012, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 280.000 tấn, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Các hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo tới thời điểm này vẫn còn khoảng 1,25 triệu tấn, tương đương với năm 2011, tuy nhiên đây chủ yếu là hợp đồng từ cuối năm 2011 chuyển sang và thời gian giao hàng kéo dài tới quý III/2012.
Trong khi đó, trên thế giới, khó khăn nhất của thị trường gạo chính là tiến độ xuất khẩu chậm. Điều này đã được dự báo khi các chuyên gia kinh tế nhận định: 2012 là năm khó khăn đối với thị trường gạo vì sản lượng dồi dào trong khi tồn kho tăng liên tục trong 5 năm liên tiếp ở mức kỷ lục, trên 100 triệu tấn.
Không chỉ gặp khó ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả trong nước, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cũng vướng bộn bề gian khó. Trong bản kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra 7 khó khăn, vướng mắc, trong đó đáng chú ý là chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Với chính sách này, các doanh nghiệp đang phải gánh một khoản phí kiểm nghiệm lô hàng tăng gấp 1,5-2 lần so với trước trong khi thời gian kiểm nghiệm và thủ tục kiểm soát lại nhiêu khê, kéo dài tới 7- 10 ngày, phát sinh chi phí lưu kho bãi container 40 tấn lên đến 50USD/ngày, chi phí chạy điện container 66USD/ngày. Điều này làm giảm năng lực và lợi thế của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong khi số các lô hàng bị nước ngoài cảnh báo không giảm...
Tăng sức cạnh tranh
Song song với việc kể khổ, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét và giải quyết các vướng mắc cho họ. Đối với nhóm hàng lương thực, ông Huệ cho rằng, biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết tồn kho để chuẩn bị tạm trữ cho vụ thu hoạch rộ sắp tới. Theo ông Huệ, muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh về giá, chất lượng và các điều kiện xuất khẩu khác. Song song với phương án trên, để giải quyết khó khăn trong bối cảnh xuất khẩu chậm, VFA đề xuất Chính phủ cho phép mua tạm trữ lúa gạo sau khi thu hoạch vụ đông xuân. Nếu không có kế hoạch vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa thu mua tạm trữ thì sẽ không tiêu thụ kịp được lúa gạo vào thời kỳ thu hoạch rộ, nhất là vào tháng 3 và 4.
Đối với mặt hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký VASEP kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ nên lấy mẫu xét nghiệm lô hàng với những thị trường yêu cầu giấy chứng nhận đó, tránh gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải thắt chặt chi tiêu nhằm tăng sức cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, mặc dù nhìn trước được khó khăn trong năm 2012 song Bộ vẫn đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành phấn đấu đạt 26 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2011. Trong đó, các mặt hàng nông sản đạt 14 tỷ USD, thủy sản 6,5 tỷ USD...
Theo ông Tần, để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào. Bộ sẽ điều chỉnh và ban hành đầy đủ các quy chuẩn về lượng đối với từng loại mặt hàng nông, lâm, thủy sản, tránh để đối tác lợi dụng ép mua hàng với giá thấp. Đặc biệt, cần phải khắc phục ngay việc thiếu nguyên liệu mang tính mùa vụ thường xuyên xảy ra đối với thủy sản thông qua các biện pháp tổ chức lại sản xuất theo hướng chủ động ký kết hợp đồng thu mua hoặc gia công với người nuôi trồng. Chủ động phòng tránh các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu cùng ngành hàng cần hợp tác, thông tin cho nhau về diễn biến cung cầu trên từng thị trường để thống nhất về lượng xuất khẩu và giá bán tại từng thời điểm. Cần hạn chế tình trạng đối tác chia rẽ ép giá, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo Kinh tế nông thôn