Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) vừa trình Chính phủ về việc giao cho công ty con của tập đoàn này độc quyền phân phối đạm Cà Mau. Văn phòng Chính phủ đang yêu cầu các bộ liên quan và Hiệp hội Phân bón VN có ý kiến.
Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này khi cho rằng sự độc quyền không chỉ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nông dân.
Thâu tóm thị trường phân đạm
Theo đề xuất của PVN, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) sẽ được độc quyền phân phối đạm Cà Mau. Đơn vị này cũng đang phân phối đạm Phú Mỹ. Nếu đề xuất này được thông qua, PVN mà trực tiếp là PVFCCo nắm toàn bộ việc điều hành cung ứng phân bón của cả nước vì công suất hai nhà máy Phú Mỹ và Cà Mau đã chiếm 85-90% thị phần đạm cả nước.
Một cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng ngay trường hợp PVFCCo chấp hành tốt mọi chủ trương của Nhà nước nhưng vì một trục trặc gì đó, doanh nghiệp này “hắt hơi, sổ mũi” cũng có thể làm thị trường phân bón cả nước “sôi lên sùng sục”.
Đáng nói là đề xuất để công ty thành viên giữ vai trò độc quyền phân phối mặt hàng của chính mình không phải là sáng kiến mới của PVN. Trước đây, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới đi vào hoạt động, PVN cũng từng có đề xuất để cho Tổng công ty Dầu (PVOil - đơn vị thành viên PVN) giữ vai trò phân phối. Các doanh nghiệp khác như Petrolimex, Xăng dầu Quân đội, Saigon Petro... muốn mua cũng phải qua PVOil.
Liên quan đến vấn đề độc quyền phân phối phân đạm, ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc PVN, cho biết PVN chỉ báo cáo để Chính phủ biết, còn việc PVFCCo phân phối đạm Cà Mau thì đã... triển khai rồi. Còn liệu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất đạm trong nước hay không, theo ông Hậu: “Đạm trong nước cạnh tranh với đạm nhập khẩu là chính. Nhà nước cho phép PVN sản xuất đến 90% sản lượng đạm của cả nước thì PVN phải lo tiêu thụ. Qua hệ thống phân phối của đạm Phú Mỹ, PVN muốn PVFCCo phân phối luôn cả đạm Cà Mau. Như thế sẽ hiệu quả hơn”.
Không nên độc quyền
Hiệp hội Phân bón VN băn khoăn với cách cung ứng của PVN, phân bón sẽ phải qua nhiều cấp trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Như hiện nay, nếu theo đề xuất của PVN, đạm sẽ phải qua khâu phân phối của PVFCCo, tổng công ty này bán lại cho các công ty thành viên, các công ty thành viên lại bán cho công ty thương mại và đại lý cấp 1. Sau đó các công ty thương mại và đại lý cấp 1 lại bán cho đại lý cấp 2, 3, 4, 5. Qua mỗi cấp đều tốn kém chi phí khiến giá bán phân bón đến tay nông dân luôn bị đội lên.
Để góp phần bình ổn thị trường phân bón, Hiệp hội Phân bón VN cho rằng đạm Cà Mau nên tổ chức cung ứng tại nhà máy hoặc khách hàng có nhu cầu sẽ tổ chức cung ứng tận nơi, tránh để xảy ra trường hợp phân phối quá nhiều khâu trung gian. Đến nay có gần 20 tổng công ty và công ty kinh doanh phân bón có văn bản đề nghị được mua hàng trực tiếp tại Nhà máy đạm Cà Mau. Tổng sản lượng mua lên gần 800.000 tấn, xấp xỉ công suất của đạm Cà Mau.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải:
Không ổn thì phải điều chỉnh
Hiện vấn đề này chưa giải quyết, nên để thêm một thời gian để giữa các đơn vị liên quan cân nhắc, tính toán xem có thí điểm được không, nếu không ổn thì chúng ta phải xem xét để điều chỉnh lại. Phân bón là mặt hàng phục vụ nông nghiệp, vì vậy bộ sẽ cân nhắc để góp ý với PVN về hệ thống phân phối làm thế nào để cung ứng phân bón cho bình ổn, kịp thời phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp nhưng đồng thời cũng đảm bảo được quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia.
|
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN, cho rằng theo Luật cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường. Chiếm vị trí thống lĩnh thị trường thì luật không cấm nhưng xét về mặt kinh tế thì nên cân nhắc. Thị trường sẽ minh bạch khi có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Hơn nữa, phân đạm là mặt hàng nằm trong danh mục nhóm mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, ông Trần Hữu Huỳnh đề nghị để ngăn chặn những hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường như bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh hay hạn chế phân phối hàng hóa... không nên để một doanh nghiệp độc quyền phân phối tới 85-90% thị phần phân đạm của cả nước.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/2/32573.html