Các chính phủ “đua” can thiệp thị trường để đẩy tăng giá cao su và gạo

10/02/2012

Thị trường nông sản thế giới đang chứng kiến một loạt các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân của các chính phủ Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar.

Tại Thái Lan, do giá cao su rớt quá mạnh, mất 36% trong năm 2011, xuống còn dưới 90 baht tức chưa đầy 3 USD/kg vào thời điểm cuối năm ngoái, khiến nhiều người ở các tỉnh miền Nam đã ngưng cạo mủ và biểu tình đòi chính phủ phải can thiệp thị trường. Sau 3 ngày biểu tình liên tiếp, hồi tháng 1 vừa qua, chính phủ của bà Yingluck đã phải “xuống nước” và chấp thuận can thiệp thị trường, bằng cách thông qua kế hoạch chi 15 tỷ baht để mua cao su của nông dân nhằm đẩy giá lên trên 120 baht/kg. Kế hoạch được thực hiện kể từ đầu tháng Hai, và thu hút được giới tư nhân tham gia với khoản tiền 2 tỷ baht nữa.
Sau thông tin phát đi từ Thái Lan, giá cao su trên thị trường đảo chiều tăng mạnh. Riêng tháng đầu năm, giá trên thị trường kỳ hạn tại Tokyo đã tăng 19%, còn cao su giao tiền mặt tại Thái Lan tăng tới 28,3%. Giá tiếp tục đi lên trong tháng 2 này, với cao su tại Tokyo đã lên tới 325 Yên/kg – cao nhất trong gần 5 tháng và cao hơn 25% so với cuối năm 2011. Cao su giao tiền mặt tại Thái Lan đạt 127 baht/kg tức hơn 4,2 USD/kg, tăng gần 40%.
Giới phân tích cho rằng, động thái can thiệp của Thái Lan trước thời điểm mùa khô (cao su rụng lá và cho ít mủ trong giai đoạn từ tháng 2 đến cuối tháng 4), giữa lúc Trung Quốc đang tăng cường dự trữ phục vụ nhu cầu của ngành sản xuất ô tô và găng tay sẽ đẩy giá cao su lên cao hơn nữa trong thời gian tới. Tháng 2 năm ngoái, giá cao su đạt mức cao kỷ lục 535 Yên/kg tại Tokyo và 6,28 USD/kg ở Thái Lan.
Người dân Thái Lan đang sản xuất cao su tấm
 
Cùng với tác động vào giá cao su, Thái Lan tiếp tục can thiệp vào thị trường gạo bằng thông báo mới đây cho biết sẽ kéo dài không thời hạn chương trình thế chấp lúa gạo, lẽ ra kết thúc vào tháng 2 này. 
Như vậy, chính phủ của bà Yingluck sẽ tiếp tục mua lúa của nông dân với giá 15.000 baht/kg, tức đưa giá gạo xuất khẩu lên trên 700 USD/tấn, tức mức 570 USD/tấn hiện nay.
Động thái can thiệp vào thị trường gạo rõ ràng có lợi cho nông dân, nhưng dường như không mấy hiệu quả đối với các nhà xuất khẩu vì họ đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ. Theo dự báo của Hiệp hội gạo Thái, nước này chắc chắn sẽ mất nhiều khách hàng trong năm nay vì giá gạo đắt đỏ. Hiện giá gạo Thái đang cao hơn của Việt Nam vài chục USD/tấn, trong khi cao hơn của Ấn Độ, Pakistan và Myanmar tới hàng trăm USD.
Trước và sau thời điểm Thái Lan bắt đầu chương trình thế chấp lúa gạo vào ngày 7/10 năm ngoái, giá gạo đã tăng nhanh trên khắp thế giới, lên cao nhất 3 năm, chủ yếu do hoạt động đầu cơ tích trữ vì kỳ vọng giá sẽ lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, do nguồn cung giá rẻ dồi dào, giá gạo Thái Lan đã mất gần 20% kể từ tháng 11 tới nay, chưa kể khối lượng gạo xuất ra thị trường sụt giảm hơn một nửa trong 3 tháng qua.
Ở Trung Quốc, chính phủ mới đây cũng can thiệp thị trường bằng cách nâng giá thu mua gạo tối thiểu nhằm kích thích người dân trồng lúa. Theo đó, giá gạo hạt dài đầu vụ ở nước này sẽ là 120 NDT/50 kg, tức 380 USD/tấn, tăng 18 NDT so với giá của năm 2011. Vào giữa vụ và cuối vụ, giá sẽ được đẩy thêm 5 NDT nữa lên 125 NDT/kg. Giá lúa Nhật Bản sẽ được tăng thêm 12 NDT trong năm nay, lên 140 NDT/50 kg.
Trung Quốc nâng giá gạo thu mua của người dân để kích thích trồng trọt
 
Chương trình nâng giá sàn thu mua lúa gạo ở Trung Quốc đã được thực hiện trong 5 năm liên tiếp vừa qua. Hiện Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về sản lượng gạo, nhưng lại không có tên trong danh sách các nhà xuất khẩu lớn vì tiêu thụ trong nước quá mạnh. Trung Quốc thậm chí phải nhập khẩu nhiều gạo, trong đó Việt Nam là một trong những nhà cung cấp quan trọng.
Ở Myanmar, với mục tiêu trở thành nước xuất khẩu lúa gạo lớn thứ 6 thế giới trong năm nay, chính phủ nước này đã nâng giá thu mua lúa gạo của người nông dân để đẩy tăng sản lượng. Theo đó, kể từ giữa tháng 1 tới hết năm, Myanmar sẽ mua lúa gạo của người dân với giá cao hơn 10% giá thị trường.
Hiện Myanmar đang chủ yếu xuất khẩu loại gạo 25% tấm với giá chưa đến 375 USD/tấn, rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác. Myanmar vì thế thu hút được khá nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam và Thái Lan như Indonesia và các nước châu Phi. Gần đây nhất, Myanmar đã xuất 200.000 tấn gạo cho Indonesia sau 10 năm không có giao dịch nào.
Theo TTXVN

Tin khác