Đầu tư vào nông thôn, cần có chính sách đặc biệt

06/02/2012

Sau hơn 25 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân cơ bản đã sang trang mới, chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn rất nhiều. Song thực tế đang diễn ra trong sản xuất nông nghiệp vẫn khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi... Nhân dịp năm mới, chúng tôi tiếp tục bàn về câu chuyện đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard). Ông Sơn nhấn mạnh:

Đầu tư vào nông thôn, cần có chính sách đặc biệt.
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp đều nhận thấy nông nghiệp là ngành đầu tư tiềm năng, đem lại lợi nhuận nhanh, và là cơ hội lớn để chúng ta tái cơ cấu lại toàn bộ ngành. Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn ít. Nếu bây giờ có nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp thì mới tạo được những bước chuyển quan trọng. Đây không phải là một hiện tượng tức thời mà là xu hướng dài hạn trên toàn thế giới. Muốn công nghiệp hóa thành công, chúng ta phải gắn công nghiệp với nông nghiệp, gắn đô thị với nông thôn.
Câu chuyện tưởng cũ nhưng không hề cũ, đó là kéo công nghiệp về nông thôn và miền núi, đô thị về nông thôn chứ không phải ngược lại. Quan hệ công nghiệp – nông nghiệp, đô thị - nông thôn là phạm trù mà nếu giải quyết thỏa đáng sẽ là động lực to lớn để phát triển, còn nếu không nó sẽ là một quả bom khó lường.
Nhưng không phải cứ đưa máy móc về miền núi, xuống ruộng là có thể thành công, thưa ông?
Đúng thế, doanh nghiệp về nông thôn không dễ gì vượt qua được những khó khăn do chênh lệch về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, thiếu lao động tay nghề và khả năng quản lý tốt. Nếu chỉ áp dụng các biện pháp khuyến khích ở mức tốt nhất như chúng ta đang làm thì sẽ không thể tạo được sự yên tâm cho nhà đầu tư. Vì thế, nếu thực sự muốn thu hút đầu tư về nông thôn thì phải có chính sách đột phá hơn nữa.
Dưới góc nhìn của nhà hoạch định chính sách, theo ông, những con số ấn tượng mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua liệu có hấp dẫn các nhà đầu tư?
Khoảng 3 năm trở lại đây, giá nông sản thế giới liên tục tăng cao và sẽ tiếp tục như thế trong khoảng 30 năm nữa, điều này khiến cho nông nghiệp trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Đây là hiện tượng chưa hề có trong 300 năm qua. Vì thế, nhiều nhà đầu tư coi nông nghiệp là lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao và rất nhiều nước phát triển đầu tư mạnh vào đó. Hiện, rất nhiều tổ chức bắt đầu coi nông nghiệp là ngành có lợi và họ đã tính đến chuyện thuê đất, mua đất, hợp tác quốc tế sản xuất nông nghiệp.
Trong 2 diễn đàn kinh tế vừa qua ở Davos (Thụy Sỹ) có rất nhiều tập đoàn quốc tế đặt vấn đề làm việc với chúng ta. Hiện, Việt Nam đã thành lập 5 nhóm công tác đặc biệt xây dựng mô hình hoạt động. Nếu chúng ta nắm bắt cơ hội, mạnh dạn thay đổi thể chế, cơ chế chính sách kịp thời, tiến hành nghiên cứu và vận động đầu tư hợp lý thì sẽ thay đổi được thế cờ.
So với các nước khác, Việt Nam đi chậm hơn và quá trình đầu tư cho nông nghiệp vẫn ở giai đoạn đầu. Cái khó của chúng ta là đi sau các nước nên đúng vào thời điểm sức dân cần được tiếp thì chúng ta chưa đủ lực, do đó tới đây cần huy động sức dân tốt hơn nữa và có những chính sách đặc biệt đầu tư vào nông thôn.
TS Đặng Kim Sơn (Ảnh: AGROINFO)
Ông có dự báo như thế nào về các tập đoàn quốc gia sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới coi nông nghiệp là ngành sản xuất quan trọng?
Đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước cho nông nghiệp thời gian gần đây rất kém. Nhưng cái chúng ta đang nói là tình hình mới của một giai đoạn mới. Chúng ta cần tin tưởng vào các kết quả mà Chính phủ đang tiến hành tái cơ cấu, trong đó nhấn mạnh hợp tác công tư, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia.
Năm mới ông có thông điệp gì muốn gửi gắm đến bà con nông dân và ngành nông nghiệp?
Nông nghiệp trong thời gian qua làm được 3 việc vĩ đại, đó là trở thành lực lượng xung kích, là lực lượng chủ lực tạo nên nền tảng kinh tế vững bền, giúp kinh tế Việt Nam cất cánh. Mỗi khi đất nước lâm nguy, nông nghiệp lại là ngành cứu hộ, bảo vệ, đỡ đần cho toàn bộ nền kinh tế.
Tôi tin rằng nếu chúng ta bắt kịp, nắm được cơ hội để thay đổi tình hình thì nông nghiệp sẽ là hướng mới để đất nước ta thay đổi nền kinh tế, tiến vào quá trình công nghiêp hóa một cách bền vững và công bằng.
Đối với nông dân, tôi tin họ sẽ nắm bắt được cơ hội từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân để mang lại kết quả trọn vẹn nhất. Năm nay là năm đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó người nông dân là chủ thể. Hơn ai hết, họ hiểu rằng đó là chương trình để họ thực hiện quyền làm chủ của mình, vươn lên bằng sức của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn

 


Tin khác