Bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực

11/01/2012

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nông thôn và nông nghiệp. Nhờ đó, kinh tế- xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay và ngày càng phát triển.

Nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực
Kết cấu hạ tầng nông thôn không ngừng được hoàn thiện
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo chính thức về kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Theo đó, thời gian qua, một trong những thành tựu nổi bật trong xây dựng và phát triển khu vực nông thôn là kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.
Cụ thể, mạng lưới điện đến các xã được đầu tư, mở rộng. Nếu năm 1994 cả nước mới có 60,4% số xã và 50% số thôn có điện, năm 2006 các con số tương ứng là 98,9% và 92,4% thì đến năm 2011 có tới 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện. Đến năm 2011, cả nước chỉ còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện. Đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ nhằm cải thiện điều kiện sống, sức khỏe, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn.
Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân. Đến năm 2011 đã có 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn; 38,7% số xã có nhà văn hoá xã; 48% xã có sân thể thao xã…
Tiếp tục thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng. Đến 1/7/2011 cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, chiếm 98,6% tổng số xã (năm 1994 là 87,9%, năm 2001 là 94,5%, và năm 2006 là 96,9%).
Đến nay, 5/6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước có trên 99% số xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, chỉ còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức thấp nhất (93,1%). Cả nước có 8.803 xã (chiếm 97,1%) có đường ô tô đi lại được quanh năm (năm 2006 là 93,6%) và 7.917 xã (chiếm 87,3%) đường ô tô được nhựa, bê tông hóa (năm 2006 là 70,1%). Đáng chú ý là hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng phát triển mạnh với 89,5% số thôn ô tô có thể đi đến. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi về hạ tầng cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân nông thôn.
Việc cung cấp nước sạch cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tính đến năm 2011 cả nước có 45,5% số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tăng 9% so với năm 2006. Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện với 18,3% số xã có xây hệ thống thoát nước thải chung (năm 2006 chỉ có 12,2%), 8,4% số thôn có xây hệ thống thoát nước thải chung và 3,5% số xã có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải, 22,4% số thôn có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải.
Hệ thống y tế, giáo dục tiếp tục phát triển
Trong những năm qua, hệ thống trường học, giáo dục mầm non ở nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển: Đến năm 2011 có 9.029 xã (99,5%) có trường tiểu học; 93,2% số xã có trường trung học cơ sở; 12,9% số xã có trường trung học phổ thông; 96,6% số xã có trường mẫu giáo/mầm non.
Cùng với sự phát triển của hệ thống trường học tại cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo phát triển, mở rộng đến cấp thôn, đến nay có 45,5% số thôn có lớp mẫu giáo; 15,6% số thôn có nhà trẻ.
Năm 2011 có 9.016 xã (99,39%) có trạm y tế, 7055 xã (bằng 77,8%) đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Để phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nông thôn tốt hơn, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được chú ý và mở rộng đến cấp thôn. Theo kết quả điều tra, đến năm 2011 có 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn (năm 2006 có 89,2%).
Cùng với việc mở rộng mạng lưới y tế của Nhà nước, hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân đã hình thành, góp phần quan trọng vào chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đến nay, cả nước có 33,2% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn và 68,5% xã có cơ sở kinh doanh thuốc tây y…
Trong những năm qua, các chính sách xã hội, dân sinh cũng luôn được chú trọng. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, khu vực nông thôn có trên 250 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 1,6% được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà năm 2010, trong đó vùng có tỷ lệ hỗ trợ cao là vùng Trung du miền núi phía Bắc (3,4%), Tây Nguyên (2,8%). Trong năm 2010, khu vực nông thôn có 3,35 triệu hộ, chiếm tỷ lệ 21,7% được vay vốn ưu đãi theo các chương trình, dự án….
Vẫn còn nhiều tồn tại...
Vẫn còn nhiều tồn tại
Theo đánh giá sơ bộ của cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, nông thôn nước ta vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết. Điển hình vấn đề về vệ sinh môi trường là lĩnh vực có nhiều bất cập nhất. Hiện cả nước mới chỉ có 18,3% số xã và 8,4% số thôn có xây dựng hệ thống thoát nước thải chung cũng như mới có 43,5% số xã và 22,4% số thôn có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải… Sự kém phát triển về hạ tầng hệ thống nước thải và dịch vụ về thu gom rác thải xảy ra ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trái ngược với tình hình ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.
Việc đầu tư về kết cấu hạ tầng nông thôn tuy đã được chú trọng giải quyết song chưa đều giữa các vùng, các địa phương. Điển hình là về điện khí hoá, mặc dù số thôn sử dụng điện tăng rất nhanh ở miền núi, nhưng cho đến nay vẫn còn một số tỉnh miền núi phía Bắc tỷ lệ thôn chưa có điện còn khá cao như Lai Châu là 29,2%. Tỷ lệ này ở Điện Biên là 24,9%, Cao Bằng là 22,3% và Hà Giang là 19,2%,…
Về giao thông nông thôn, ở nhiều địa phương hệ thống đường đến thôn còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền núi phía Bắc, còn nhiều tỉnh có gần 1/3 số thôn ô tô không thể đến được thôn (như Cà Mau, Bạc Liêu, TP Cần Thơ, Lai Châu, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng).
Việc phát triển thư viện xã diễn ra rất chậm: Năm 2011 chỉ có 10% số xã có thư viện, tăng 3% trong 10 năm gần đây và 0,5% trong 5 năm trở lại đây. Việc phát triển, mở rộng hệ thống nhà trẻ, lớp mẫu giáo, hệ thống dịch vụ y tế tư nhân đến cấp thôn vẫn còn hạn chế và phát triển không đồng đều giữa các vùng, các địa phương,...
Ngoài ra, cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn đã có sự chuyển dịch rõ nét song vẫn không đều giữa các vùng. Cùng với đó, tốc độ chuyển dịch ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn rất chênh lệch giữa các vùng. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là những vùng chuyển dịch rất chậm trong 5 năm qua. Tỷ trọng các hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ tăng từ 11,3% lên 16,6%, vùng Tây Nguyên từ 10,2% lên 12,3%. Điểm đáng lưu ý là ở vùng Tây Nguyên tỷ trọng hộ công nghiệp và hộ thương nghiệp hầu như không thay đổi. Đây cũng là những vùng mà các hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm đa số (trên 80%).
Tuy tốc độ tăng vốn tích luỹ bình quân 1 hộ tương đối đồng đều giữa các vùng nhưng mức độ chênh lệch về tích lũy giữa các vùng ngày càng tăng. Vùng Đông Nam Bộ có mức tích lũy cao nhất với mức tích lũy bình quân 24,2 triệu đồng/hộ; trong khi đó vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ đạt mức tích luỹ bình quân 9,1 triệu đồng/hộ….
Những tồn tại, bất cập trên đây đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về thực trạng cũng như những vấn đề đặt ra trong nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản hiện nay ở nước ta. Để khắc phục những tồn tại này, đòi hỏi hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của cư dân nông thôn trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=500338


Tin khác