Thắt chặt điều kiện KD càphê: Có nâng tầm thương hiệu?

12/11/2011

Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo về điều kiện kinh doanh càphê. Theo đó, thời gian tới, các doanh nghiệp (DN) muốn tham gia xuất khẩu (XK) càphê phải thỏa mãn các điều kiện như: Hai năm liên tục có lượng càphê XK tối thiểu 5.000 tấn/năm; có kho chứa và khả năng chế biến tối thiểu 5.000 tấn/năm, minh bạch về tài chính... Điều này là cần thiết nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với thực tế như hiện nay, những quy định trên có thể làm khó DN.

Siết chặt điều kiện KD càphê để cải thiện hình ảnh, uy tín, thương hiệu càphê.
Thả nổi quá lâu
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), siết chặt điều kiện kinh doanh càphê là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ngành đang đứng trước thực trạng "lớn nhưng không mạnh". Không những thế, đây còn là cơ hội để sàng lọc những DN yếu, giảm thiểu tình trạng tranh mua tranh bán, góp phần cải thiện hình ảnh, uy tín, thương hiệu càphê Việt Nam.
Ông Tự cho biết: "Hiện Việt Nam mới có 4 DN chế biến càphê hòa tan. Ngoài ra, các nhà rang xay nhỏ dùng rất nhiều tên, nhưng chỉ phục vụ cho một tỉnh, thành phố, một số khách hàng riêng. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng khâu phát triển thương hiệu". Việc chúng ta để mất thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc chính là bằng chứng rõ ràng thể hiện sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của các DN.
Theo Vicofa, cả nước hiện có trên 150 DN tham gia XK càphê, song có đến 70% làm ăn không hiệu quả. Thực tế này cũng dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán, gây ảnh hưởng không tốt tới uy tín và chất lượng của càphê Việt Nam.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho biết, thực tế, dù số lượng doanh nghiệp Việt Nam nhiều, nhưng vì "mạnh ai nấy làm" nên vô tình đã tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu, thao túng thị trường càphê. Cụ thể như trong niên vụ vừa qua, các doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm hơn 50% tổng sản lượng càphê Việt Nam.
Thu hẹp để lớn?
Những bất cập trên đòi hỏi chúng ta phải sớm sắp xếp lại đầu mối XK càphê nhằm hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán và phá giá như hiện nay. Trên thực tế, vấn đề này đã được đưa ra tranh luận từ nhiều năm trước, nhưng đến nay mới bắt đầu triển khai. Tuy chậm nhưng cũng đến lúc phải áp dụng để ngành càphê phát triển nhanh và bền vững hơn.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chính thức có văn bản gửi Bộ Công Thương, nhất trí việc quy định về điều kiện kinh doanh, XK càphê là cấp thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay. Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Chúng tôi rất ủng hộ phương án này. Đã đến lúc cần phải sắp xếp, tổ chức lại hoạt động kinh doanh càphê theo hướng những DN đủ điều kiện mới được tham gia XK để lành mạnh hóa thị trường"
Tính toán của Vicofa cho thấy, khi những quyết định xung quanh vấn đề này được ban hành, ước tính chỉ có khoảng 40 DN nghiệp đủ điều kiện XK, nhưng quy mô của từng DN sẽ lớn lên, sẽ hạn chế được tình trạng các DN đổ xô thu mua càphê thô, gây tình trạng hỗn loạn trên thị trường. Thay vào đó, với điều kiện bắt buộc về kho chứa, tiềm lực tài chính…,các DN này có thể tham gia điều tiết, ổn định thị trường trong nước.
Rõ ràng muốn tạo dựng thương hiệu cho càphê thì cần phải đầu tư mạnh cho khâu chế biến, bởi ai cũng thấy lợi nhuận càphê nhân rất thấp. Trong chiến lược phát triển 15- 20 năm tới, Vicofa đề nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư chế biến càphê.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa, việc đưa ra những điều kiện bắt buộc cho DN XK càphê cần phải hết sức thận trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn và năng lực của các DN.
Tiêu chí yêu cầu các DN tham gia chế biến XK 2 năm liên tục với sản lượng 5.000 tấn/năm là chưa hợp lý. Trước mắt cần giảm xuống còn 2.000 tấn/năm để các DN có sự điều chỉnh dần.
Hiện, Vicofa đang yêu cầu các doanh nghiệp gửi báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cơ sở vật chất, để trên cơ sở đó nắm tình hình, tiềm lực của các DN nhằm đưa ra những kiến nghị phù hợp.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/11/31143.html


Tin khác