Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Tập trung ưu tiên sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư

03/11/2011

Xung quanh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, ngành sẽ còn nhiều việc phải làm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững. Về vấn đề này, ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng:

ông Trang Hiếu Dũng
Nhu cầu đầu tư cho ngành nông nghiệp rất lớn, trong mấy năm qua, chúng ta có rất nhiều dự án đang thực hiện dang dở, do vậy bây giờ vừa tiếp tục thực hiện lại vừa phải tái cơ cấu, đây là việc không dễ dàng. Khi triển khai bất kỳ vấn đề gì, chúng tôi cũng đều tính tới những khó khăn, thách thức đặt ra, trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm thế nào thu hút được nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu? Ngoài ra, nông nghiệp vốn là lĩnh vực rất đặc biệt, liên quan đến cây trồng, vật nuôi, đòi hỏi chúng ta khi tiến hành tái cơ cấu cũng phải chú ý quan tâm. Ví dụ, những cây trồng lâu năm như cao su, cà phê muốn chuyển đổi phải có thời gian.
Và để tái cơ cấu được, chúng ta cũng phải có những chính sách mới. Ví dụ, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ cần thay đổi về cơ chế chính sách để có thể phát huy nguồn lực của các nhà khoa học. Hoặc vấn đề người lao động, muốn tái cơ cấu, người nông dân phải có kiến thức, phải được đào tạo, tập huấn...
Trước những khó khăn đó, theo ông, thời gian tới chúng ta cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước?
Trong định hướng sắp tới, trước hết phải tái cơ cấu lại đầu tư, mặc dù rất khó nhưng vẫn phải sắp xếp lại. Thứ hai, ứng dụng và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thứ ba, chú trọng đào tạo cho người nông dân - nguồn nhân lực chính phục vụ phát triển nông thôn. Thứ tư, cải cách hành chính, xây dựng khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc tái cơ cấu ngành.
Định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Ngành trồng trọt
Ưu tiên cao hơn cho nhóm cây rau và hoa; tiếp tục khai thác khả năng tăng giá trị gia tăng trong trồng trọt theo hướng đổi mới trong khâu giống, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, thực hành GAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong khâu sau thu hoạch và chế biến.
Ngành chăn nuôi
Tái cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, bò sữa; chuyển dịch mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại theo kiểu công nghiệp và công nghệ cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; chuyển dịch dần chăn nuôi từ đồng bằng lên vùng trung du, miền núi, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa thành phố, khu dân cư.
Ngành thủy sản
Ưu tiên phát triển tôm, cá tra và nhuyễn thể; tập trung phát triển nuôi trồng theo hướng công nghiệp, thâm canh, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và duy trì cân bằng sinh thái môi trường; ưu tiên cao cho việc đầu tư phát triển nuôi trồng ở vùng ĐBSCL, vùng ven biển.
Ngành lâm nghiệp
Ưu tiên phát triển rừng kinh tế; rừng phòng hộ lưu vực xung yếu, rừng ngập mặn ven biển, rừng biên giới.
Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn
Khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp; phát triển ngành nghề nông thôn, gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống.
Có ý kiến cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải đặc biệt chú trọng tới vai trò của nông hộ bởi họ sẽ là động lực của sản xuất quy mô lớn. Vậy, chúng ta có tính tới việc đầu tư cho các nông hộ mở rộng sản xuất để gia tăng giá trị, thưa ông?
Tất nhiên, trong giải pháp về đổi mới mô hình tổ chức sản xuất để đạt giá trị cao hơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn coi trọng vai trò của nông hộ và có những chính sách tạo điều kiện cho họ mở rộng sản xuất hàng hóa thông qua dồn điền đổi thửa, áp dụng công nghệ cao...
Chúng tôi nghĩ rằng đây là định hướng đúng và thực tế là mô hình trang trại thời gian qua đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, số lượng trang trại tăng nhanh.
Theo như đánh giá thì giai đoạn trước, ngành đã khai thác gần như hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giờ đây vấn đề này cần phải có bước phát triển mới. Xin ông cho biết định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT về vấn đề này như thế nào?
Nếu nói rằng chúng ta đã khai thác hết tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và giờ nó đã cận biên thì nhận định này chỉ mang tính tương đối. Chúng ta khai thác hết nguồn đất tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tương đối nhưng không có nghĩa chúng ta không có cách gia tăng hơn được nữa. Trong từng sản phẩm, mỗi công đoạn đều có thể gia tăng giá trị. Ví dụ, trong trồng trọt, chúng ta có thể chuyển đổi mùa vụ, áp dụng sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và như thế là đã nâng cao giá trị gia tăng rồi.
Phát triển ngành nông nghiệp rất cần sự tham gia của các đối tác nước ngoài và khối tư nhân. Trong quá trình tái cơ cấu ngành, việc thú hút các nguồn lực này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi cũng đã nêu 3 mục tiêu lớn trong thập kỷ tới, đó là cố gắng duy trì nhịp độ tăng trưởng từ 2,6-3%/năm; bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%; giảm 2% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp... Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi phải thực hiện nhiều giải pháp cả trong sản xuất, quản lý tài nguyên thiên nhiên và đào tạo nguồn nhân lực... Chúng tôi hy vọng với sự cải cách và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong đổi mới chính sách thì các nhà tài trợ sẽ có điều kiện tốt hơn để tham gia các dự án đối tác công tư. Hiện, đã có 17 công ty, tập đoàn đa quốc gia làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT để tham gia vào lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc nhiều ngành như chè, rau, hoa...
Xin cảm ơn ông!
*ÔNG PHAN HUY THÔNG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA:
Nhà nước cần thể hiện vai trò "bà đỡ"
Tôi đồng ý với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên về kết cấu ngành không nên quá cứng nhắc. Cần phải xem xét tái cơ cấu theo vùng sinh thái nông nghiệp, vùng cận nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, hải đảo và nhấn mạnh đến giải pháp bảo hiểm trong nông nghiệp, trong đó đánh giá cao vai trò của công tác quản lý Nhà nước.
Giải pháp để thực hiện vấn đề này là cần phải đánh giá lại việc đầu tư cho nông nghiệp bởi lâu nay, đầu tư cho lĩnh vực này rất thấp. Do đó, đề nghị nhấn mạnh, bổ sung và tăng cường vai trò "bà đỡ" của Nhà nước trong quản lý rủi ro, nhất là thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp.
Trước đây, chính sách của chúng ta nặng về hỗ trợ khi có rủi ro xảy ra. Đã đến lúc phải tính lại điều này, phải chủ động quản lý các rủi ro làm sao để các thành phần kinh tế, nông dân và cả doanh nghiệp cùng chia sẻ, như vậy mới tăng khả năng thu hút đầu tư. Ngoài ra, vai trò của Nhà nước còn là tạo môi trường đầu tư ổn định. Nếu để từng doanh nghiệp, người dân tham gia thì rất khó trong điều kiện kinh tế hiện nay.
* ÔNG HOÀNG KIM GIAO, CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT):
Chuyển đổi cơ cấu đầu tư
Tái cơ cấu trong ngành chăn nuôi có 5 lĩnh vực, gồm: chăn nuôi lợn, tiêu thụ thịt trong dân (tăng thịt gia cầm), chuyển quy mô chăn nuôi từ gia trại thành trang trại có kiểm soát, quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung và tăng cường chế biến và quản lý. Nổi lên trong số đó là lĩnh vực chăn nuôi lợn. Việt Nam cần phát triển nuôi lợn, hướng tới xuất khẩu vì tổng đàn lợn hiện đang đứng thứ 6 thế giới. Bên cạnh đó là việc phát triển diện tích ngô, nâng cao năng lực chế biến, tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước, tránh tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, người chăn nuôi bỏ chuồng, bỏ trại.
Để tái cơ cấu được các ngành như đề án đưa ra cần phải chuyển đổi cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cao; thúc đẩy kinh tế hộ theo hướng chuyên môn hóa, đổi mới chính sách, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cần chú ý đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thực tế, khả năng chuyển đổi nghề phù hợp.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/11/31023.html


Tin khác