Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngày càng có nhiều nông dân bức xúc vì thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên, chi nhánh ngân hàng của ông cũng chỉ đứng ngoài nhìn mà không dám cho vay. Ông nhận xét: "Các ngân hàng, mà phần lớn là ngân hàng thương mại cổ phần, hầu như muốn bỏ qua đối tượng khách hàng nông dân".
|
Khó tiếp cận vốn nhân hàng là khó khăn muôn thuở của nhiều chủ trang trại.
|
Ngại rủi ro
Ông Đặng Văn Tuyến ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) đã đến gõ cửa một vài ngân hàng thương mại cổ phần để xin vay vốn đầu tư vào trại nuôi và cung cấp giống thỏ thịt. Dự án khá chi tiết và có tính khả thi nhưng không một ngân hàng nào cho vay. Lý do, dự án quá mới mẻ, tính rủi ro cao. Hơn nữa, vốn vay đến 600 triệu đồng, trong khi đất và chuồng trại không phải là một tài sản tốt để thế chấp.
Tương tự, khá nhiều dự án đầu tư trang trại khác cũng trầy trật khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Các chủ trang trại, hoặc bị từ chối hoặc nếu vay được thì hạn mức vay cũng khá nhỏ so với vốn cần thiết đầu tư vào dự án. Ngay cả khi có Nghị định 41 của Chính phủ cho phép ngân hàng có thể cho trang trại vay tín chấp với mức vay lên đến 500 triệu đồng, nhưng theo các chủ trang trại, không phải lúc nào nhu cầu của họ cũng được đáp ứng. Ông Th., một chủ trang trại ở Bình Dương, xin vay vốn cho một dự án có quy mô khá lớn, gồm nuôi ba ba, heo siêu thịt, cây ăn trái. Tuy nhiên, mảnh đất rộng trên 5ha cùng với tiềm năng của dự án cũng chỉ được ngân hàng xét cho vay tối đa vài chục triệu đồng.
Đại điện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho biết, dù là ngân hàng thương mại cổ phần nhưng trước giờ đơn vị này vẫn thực hiện một số chương trình cho vay nông nghiệp, như cho vay nuôi bò sữa, làm bánh tráng xuất khẩu ở ngoại thành TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngân hàng trở nên khá dè dặt trong việc cho vay các dự án đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Cho vay có lựa chọn
Có thể nói, phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần còn ngại cho vay các dự án đầu tư vào nông nghiệp. Cho đến nay, nông dân với các dự án vay vốn làm nông nghiệp chỉ có thể là đối tượng khách hàng của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên, giám đốc một chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc cho vay đối với nông dân vẫn có lựa chọn, căn cứ trên những dự án có hiệu quả kinh tế tương đối rõ ràng. Đối với các chương trình hỗ trợ cho vay mang tính phục vụ chính sách, các dự án có tính thử nghiệm và chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế thì được xem xét bởi hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông lấy ví dụ, các dự án nuôi ba ba, thỏ… có thể có hiệu quả cao nhưng cũng có rủi ro do mang tính thử nghiệm; các dự án trồng cây cũng có rủi ro do không ổn định, dễ thay đổi do nông dân thiếu định hướng quy hoạch, thiếu thông tin thị trường.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh An Giang cho biết, từ trước đến nay, đơn vị này vẫn phục vụ trước hết nhu cầu vay vốn của nông dân. Ngân hàng cũng thấy được rủi ro nhưng nếu vì rủi ro mà không tham gia thì không được, do còn có các nhiệm vụ về phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn chứ không đơn thuần làm kinh doanh. Tuy nhiên, trong việc cho vay, ngân hàng cũng kết hợp tư vấn định hướng cho nông dân lựa chọn dự án phù hợp, khả thi. Tuỳ theo dự án và đối tượng, ngân hàng cũng tạo điều kiện thêm bằng cách cho vay tín chấp.
Như vậy, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, bà con nông dân cần xây dựng các dự án có tính thuyết phục cao.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/AgriBank/2011/10/30737.html