|
Gánh nặng và rừng quy định gây khó khăn lớn trong quản lý và nâng cao chất lượng thể chế của VN.
|
"Điểm nghẽn" thể chế
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cải cách thể chế là một khái niệm còn mới ở Việt Nam, về cơ bản nó khác với cải cách hành chính, tuy cũng có những điểm tương đồng. Môi trường thể chế là một yếu tố quan trọng đối với năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Một môi trường lành mạnh sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ với WTO, bảo vệ tốt hơn người dân, môi trường và xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, song môi trường thể chế của Việt Nam vẫn bị coi là còn nhiều "điểm nghẽn". Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 tại Đại hội XI của Đảng khẳng định: "Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, việc thực thi chưa nghiêm..., chưa tạo được sự chuyển biến mạnh trong việc giải quyết những khâu đột phá, then chốt và những vấn đề xã hội bức xúc".
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thừa nhận, so sánh với nền kinh tế của 12 quốc gia tại khu vực Đông Á thì chỉ số hiệu quả Nhà nước của Việt Nam chỉ đứng thứ 10, dưới 50% điểm, trên Campuchia và Lào. Điều này cho thấy, chất lượng thể chế tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.
Theo ông Cường, số lượng văn bản pháp luật tăng nhanh trong khi chất lượng của nhiều văn bản chưa đảm bảo; việc lấy ý kiến công chúng tuy có được cải thiện nhưng chưa thực sự thay đổi về chất; bản thân nước ta vẫn thiếu một cơ quan đầu mối, các công cụ, tiêu chí kiểm soát chất lượng văn bản pháp luật. Trong khi đó, cơ quan Nhà nước vẫn thường áp dụng biện pháp ban hành quy định để xử lý phát sinh mà chưa chú trọng tới các giải pháp thị trường, đặc biệt là vẫn tồn tại tình trạng luật khung, luật ống.
Trong bảng chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2011-2012, Việt Nam xếp thứ 65/142 quốc gia, lùi 6 bậc so với năm 2010-2011. Việc tụt lùi này bắt đầu từ các yếu tố mà theo ông Faisal Naru, Cố vấn trưởng về cải cách thể chế (Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam - USAID/VNCI) là lạm phát, bất ổn chính trị, bộ máy hành chính kém hiệu quả và các quy định về ngoại tệ, thuế và lao động.
Những quan ngại
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện cải thiện môi trường thể chế nhưng công tác này chưa mang tính thường xuyên và có hệ thống. Hiện, nước ta đứng thứ 113/142 quốc gia về gánh nặng quy định.
Theo ông Cung, tình trạng hệ thống quy định pháp luật chưa được pháp điển hóa và có quá nhiều quy định được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền, cộng thêm việc phân chia trách nhiệm không rõ ràng và chồng chéo cho thấy, môi trường thể chế của Việt Nam chưa được cải cách toàn diện, có hệ thống hoặc chưa được quản lý tốt.
Trên thực tế, mỗi năm nước ta ban hành một số lượng lớn quy định mới, trong khi chất lượng các quy định cũng là một vấn đề. Nhà nước còn sử dụng nhiều biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước, chính việc này đã kìm hãm cạnh tranh, gây ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động, vì chúng làm giảm sút động lực, nâng cao hiệu suất và thực hiện đổi mới của các doanh nghiệp.
Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (Đề án 30) đã đem lại thành tựu lớn cho Việt Nam như đã rà soát 5.421 thủ tục, cắt giảm 8,8%, đơn giản hóa 77% và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp tới 1,4 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn tiếp theo, ông Scott Jacobs, Chuyên gia quốc tế thuộc USAID/VNCI cho rằng, Việt Nam cần cắt giảm tiếp khoảng 30-50% thủ tục hành chính; đơn giản hóa hầu hết các thủ tục còn lại và nếu làm được điều đó, mức tăng GDP tiềm năng có thể lên tới 9 tỷ USD/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, hiện nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức lạm phát cao, sức cạnh tranh thấp, do vậy cần một làn sóng cải cách mới để giải phóng lực lượng sản xuất bị kìm hãm bởi các quy định và chính sách không phù hợp. Ngoài ra, làn sóng cải cách mới này cũng để nâng cao chất lượng điều hành, tức là xây dựng các quy định tốt hơn, hiệu quả và hỗ trợ tăng trưởng dựa trên các nguyên tắc thị trường, nâng cao chất lượng phân tích chính sách, tính minh bạch và công tác phối hợp.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/10/30797.html