Gói hỗ trợ, các doanh nghiệp cần chú ý

20/10/2011

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hiện có 20% doanh nghiệp bị phá sản, 60% giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay chính là vốn.

DNNVV đang gặp khó do thiếu vốn.
Có giảm nhưng chưa thấm
Từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động đã được đưa về mức 14%/năm, lãi vay dành cho doanh nghiệp sản xuất ở mức 17-19%/năm. Tuy nhiên, so với dư nợ khoảng 2.300 tỉ đồng toàn nền kinh tế, các gói lãi suất (17-19%) của ngân hàng hiện còn khá nhỏ, không đủ đáp ứng các doanh nghiệp.
Nhiều người lạc quan nói rằng, với độ trễ giữa huy động và cho vay, có thể kỳ vọng lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ về mức 19%/năm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lãi suất cho vay giảm tuy không giúp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có sự đột biến nhưng có thể giảm bớt khó khăn mà trước mắt là chi phí tài chính. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, lãi suất dù có giảm vài ba phần trăm cũng vẫn không thấm vào đâu khi kinh doanh đang vấp phải nhiều vấn đề khác.
Ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Đức Hoàng nói rằng, các hợp đồng xuất khẩu sản phẩm ngành dệt may thường cố định 1-2 năm, nên công ty rất khó có thể tăng giá bán. Ngoài ra, doanh nghiệp phải mua nguyên liệu từ tháng 9 nên có lúc phải vay với lãi suất 20%/năm, lãi suất hiện tại là 18%/năm nhưng giá nguyên liệu có xu hướng tăng, đẩy nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng 40-50% so với năm trước. Một số doanh nghiệp ngành may muốn có đơn hàng, duy trì việc làm cho công nhân cũng phải chấp nhận giảm thêm giá gia công 10-15% so với thời điểm cuối năm 2010. Vì thế, gánh nặng lãi suất cũng tăng lên trong khi mãi lực thị trường năm nay vẫn là một ẩn số.
Những doanh nghiệp đang bế tắc không tìm ra đơn hàng, không ký được hợp đồng mới sẽ không dám tiếp cận nguồn vốn. Vì dù được vay lãi suất thấp nhưng đối với người vay cũng là gánh nặng phải trả lãi. Hơn nữa, doanh nghiệp đang được vay với lãi suất 17%/năm để mua thiết bị phục vụ sản xuất nhưng để có thể đầu tư trong thời điểm lạm phát này, họ chỉ hy vọng lãi suất vay như cuối năm 2007 (khoảng 12%/năm) thì mới có thể mạnh tay làm hồ sơ.
Không còn hy vọng vào nguồn vốn giá rẻ
Từ ngày 10/10/2011, NHNN áp dụng lãi suất tái cấp vốn là 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 16%/năm. Đây là lần thứ 5, kể từ đầu năm đến nay, các mức lãi suất cơ bản được điều chỉnh. Như vậy, NHNN đã phát tín hiệu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ nhất quán, nhằm đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát. Việc điều chỉnh các mức lãi suất của NHNN sẽ không chỉ có tác động đến cung tiền đồng mà cả ngoại tệ.
Việc tăng mức lãi suất cơ bản sẽ khiến các ngân hàng thương mại NHTM nhỏ gặp khó khăn, đặc biệt đối với những đơn vị trước đây "trót" đẩy tín dụng tăng quá nhanh. Bởi việc tăng các mức lãi suất chủ chốt sẽ khiến lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng. Đối với những NHTM cổ phần, vốn không có lợi thế về thương hiệu, mạng lưới… thì sẽ là thách thức lớn khi muốn thu hút nguồn vốn huy động. Rõ ràng việc làm này sẽ buộc các ngân hàng phải xem xét lại tăng trưởng tín dụng mà không dựa trên cơ sở huy động vốn của mình. Trước mắt khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ có tác động tốt cho nền kinh tế, cho NHTM nhỏ.
Ở một khía cạnh khác, việc NHNN tăng các mức lãi suất cơ bản sẽ làm tăng giá vốn của NHTM. Trong khi đó, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác hiện đang phổ biến ở mức 18-21%/năm, cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu 17-19%/năm… Do đó, theo bà Võ Thị Sánh, Giám đốc Ban thông tin quản lý và hỗ trợ (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), trong bối cảnh hiện nay, NHNN cần phân biệt lại đối tượng được tái cấp vốn, một là tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, hai là hỗ trợ để các NHTM có nguồn vốn cho vay khu vực sản xuất, cho vay các đối tượng ưu tiên.
Ông Trần Nam Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) thông tin, đối với doanh nghiệp sản xuất thì việc hạ lãi suất thời điểm này rất quan trọng. Do vậy, TrustBank triển khai chương trình "Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất - nhập khẩu nông sản, thủy sản" tại khu vực ĐBSCL với hai hình thức hỗ trợ ưu đãi lãi suất tài trợ thương mại tối thiểu từ 17,6% đối với đồng Việt Nam và 5% đối với USD… Tuy nhiên, ông Nam nói thêm, hiện nay các ngân hàng đang áp dụng rất nhiều gói hỗ trợ khác bên cạnh việc hạ lãi suất cho vay, các doanh nghiệp cần chú ý những công cụ hỗ trợ này.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/AgriBank/2011/10/30782.html


Tin khác