Xuất khẩu thủy sản năm nay ước đạt 6 tỷ USD, nhưng người dân và doanh nghiệp đang lao đao vì thiệt hại do dịch bệnh, mà nguyên nhân chính là do thủy lợi cho thủy sản hầu như không có.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhiều lần bày tỏ bức xúc, bởi xuất khẩu thủy sản mỗi năm mang về 5 - 6 tỷ USD, nhưng đầu tư thủy lợi cho thủy sản quá èo uột. Do hệ thống cấp nước và thoát nước chung một đường nước (dùng “ké” thủy lợi nông nghiệp), nên nước thải của những ao nuôi bị bệnh chảy sang ao khác. Từ đó, dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Chưa kể, hóa chất tồn dư trong sản xuất nông nghiệp cũng “vô tư” chảy vào ao nuôi, khiến tình trạng tôm, cá bị nhiễm dư lượng kháng sinh càng căng thẳng. Nhiều lô hàng nhiễm dư lượng kháng sinh xuất khẩu đã bị trả về.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định rằng, phát triển nuôi trồng thủy sản còn tự phát, thiếu quy hoạch, chưa có hệ thống cấp và thoát nước hợp lý, môi trường nuôi không được xử lý, khiến dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. “Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa thực sự hợp lý”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói.
Được biết, hầu như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư khá lớn cho thủy lợi, như Sóc Trăng (60 tỷ đồng/năm), Cà Mau (trên 100 tỷ đồng/năm)… Nhưng số vốn này chưa đủ để cải tạo những công trình thủy lợi chung hiện có, chứ chưa nói đến việc xây dựng những công trình, dự án mới dành riêng cho thủy sản.
Chán nản trước việc đầu tư èo uột cho thủy lợi thủy sản, lãnh đạo Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú đề nghị: “Kiến nghị đầu tư thủy lợi thủy sản đã được chúng tôi đưa ra cả chục năm nay mà không thấy triển khai. Nhà nước hãy cho doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư thủy lợi riêng cho thủy sản, sau đó Nhà nước hoàn vốn cho doanh nghiệp hoặc trừ dần bằng cách khấu trừ thuế hoặc ưu đãi về đất đai, tài chính…”.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, 8 tỉnh nuôi trồng thủy sản lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản từ cách đây 5 năm. Quy hoạch phân ranh mặn - ngọt cũng đã được phê duyệt. Thế nhưng, tất cả các quy hoạch này vẫn đang dài cổ chờ vốn.
Báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2006 - 2010 và dự kiến vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 cũng cho thấy, không có chương trình, dự án nào bố trí vốn riêng cho thủy lợi thủy sản.
Có lẽ vì đã quá ngán ngẩm trước sự thờ ơ đầu tư vào thủy lợi thủy sản, các địa phương cũng không mặn mà kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Bằng chứng là, 8 tỉnh nói trên vừa kêu gọi đầu tư xây dựng thủy lợi, công trình phục vụ thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015, nhưng trong tổng số 19 dự án thủy lợi (tổng vốn trên 1.700 tỷ đồng) và 31 dự án hạ tầng phục vụ thủy sản (tổng vốn 2.272 tỷ đồng) được công bố, chỉ có 2 dự án về hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, với số vốn chưa đến 300 tỷ đồng (tại Cà Mau và Trà Vinh).
Ông Vũ Văn Thặng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: "Hiện tỷ trọng đầu tư thủy lợi thủy sản còn rất nhỏ trong đầu tư thủy lợi. Trong vài năm tới, tỷ trọng này chưa thể thay đổi mạnh do thiếu vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đầu tư thủy lợi cho thủy sản đem lại hiệu quả rất cao. Vì vậy, trong tương lai, chắc chắn cơ cấu đầu tư thủy lợi sẽ thay đổi theo hướng đầu tư mạnh cho thủy sản".
Được biết, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản chọn 5 dự án cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hiện cũng đang trong cảnh thiếu vốn triển khai.
“Đầu tư thủy lợi thủy sản không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước, mà phải có chính sách thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp. Muốn vậy, Nhà nước phải tiếp tục đổi mới hàng loạt chính sách về đất đai, thương mại, tín dụng… để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn khuyến nghị.
Theo Báo Đầu tư