Thiếu nguyên liệu cá tra xuất khẩu: Hệ lụy do phá hợp đồng

05/10/2011

Đua nhau phá hợp đồng, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đang ngấm đòn vì khủng hoảng thiếu nguyên liệu, còn nông dân ngán ngẩm không muốn nuôi cá. Mô hình nuôi, chế biến đơn lẻ trong ngành cá tra đã bộc lộ những điểm yếu.

Thiếu nguyên liệu trầm trọng
Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Agifish An Giang cho biết, Công ty nhận được nhiều đề nghị đặt hàng của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến tận giữa năm 2012, nhưng không dám nhận bởi lo không có nguyên liệu. Không chỉ Agifish An Giang, mà đa phần DN chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng đang chạy đôn, chạy đáo để mua vét nguyên liệu. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra xuất khẩu sẽ còn kéo dài đến hết năm 2012.  
Cơ sở của dự báo trên là do, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong mấy tháng qua, 30% diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị người dân chuyển sang làm lúa hoặc nuôi thủy sản khác. Ở một số địa phương, tỷ lệ này lên tới 50%.
Nỗi lo thiếu nguyên liệu kéo dài, khiến từ giữa tháng 9 tới nay, tình trạng mua tranh nguyên liệu diễn ra gay gắt ở các tỉnh. Hiện tại, giá cá đã lên tới khoảng 26.000 – 26.500 đồng/kg.
Tại cả đôi bên
Còn nhớ, cuối năm 2010, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản liên tục cảnh báo về viễn cảnh thiếu trầm trọng nguyên liệu trong năm 2011. Bà con nông dân hăm hở thả nuôi. Giá cá tra mấy tháng đầu năm 2011 có lúc lên tới 28.000- 29.000 đồng/kg. Thế nhưng, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9 vừa qua, DN đột ngột giảm lượng mua vào khiến cá tra liên tục rớt giá. 
Trước phản ứng của dư luận về việc DN ép giá nông dân, VASEP đã tuyên bố, trong tháng 7, các DN chế biến, xuất khẩu lớn của VASEP sẽ thu mua hết lượng cá tra nguyên liệu còn trong dân. Riêng với cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (loại 0,8 kg/con), DN sẽ mua với giá 26.000 đồng/kg. Thế nhưng, mãi đến đầu tháng 9 vừa qua, cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng chỉ có giá 24.000 đồng/kg. Với chi phí đầu vào khoảng 24.000 đồng/kg hiện nay, người nuôi cá tra bỏ ao không phải là điều khó hiểu.
Câu chuyện khủng hoảng thiếu, thừa trong ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra diễn ra liên tục trong nhiều năm qua, nhưng chưa khi nào được giải quyết triệt để. Lỗi không hoàn toàn thuộc về DN. Một DN xuất khẩu cá tra lớn khẳng định, đúng là có chuyện một số DN ép giá nông dân, nhưng đó thường là những hộ nuôi tự phát, không ký trước hợp đồng với DN.
“Cũng có một số DN ký hợp đồng với người nông dân đã “bẻ kèo”, xù hợp đồng. Thế nhưng, cũng không thể trách DN, vì trước đó, lúc giá cá tra lên đỉnh điểm, nhiều hộ dân cũng đã phá hợp đồng, bán cho thương lái với giá cao”, DN trên cho biết.
Nuôi cá tra phải... có điều kiện
Câu chuyện liên kết nông dân - DN trong sản xuất cá tra, tiêu thụ cá tra đã được đặt ra từ lâu và chính thức thí điểm vào năm 2005 với sự vào cuộc của Agifish cùng 30 hộ dân. Từ đó đến nay, hàng chục mô hình tương tự đã được thành lập. Hiện diện tích nuôi cá tra của DN chế biến, xuất khẩu cá tra đã lên tới 40% tổng diện tích cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long.  
Đẩy mạnh mô hình liên kết nông dân - DN cũng là mong muốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VASEP. Từ năm 2012, hầu hết DN chế biến, xuất khẩu thủy sản chủ động được nguồn nguyên liệu. Khi đó, người nông dân nuôi tự phát, nhỏ lẻ càng đứng trước nguy cơ bị ép giá.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng, cần tiến tới đưa ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra trở thành ngành “có điều kiện”. Theo đó, đối với DN, phải có vùng nguyên liệu, phải có thị trường, sản phẩm đạt chất lượng, được kiểm tra đầy đủ các tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu. Với nông dân, phải có hợp đồng mới cho nuôi.
Tuy nhiên, theo các DN, hiện mô hình liên kết nông dân - DN gặp khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư khôi phục, cải tiến vùng nuôi, bởi hầu hết các ngân hàng đều ngán ngẩm với nuôi trồng thủy sản.
Theo Báo Đầu tư
Nguồn:
 

Tin khác