Giải pháp để tăng tốc xuất khẩu cà phê: Cốt lõi là sự đoàn kết của các doanh nghiệp

28/09/2011

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch năm nay dự kiến đạt 2,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặt hàng này đã và đang bị các doanh nghiệp nước ngoài chi phối, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam luôn thiếu nguồn nguyên liệu và phải mua cà phê Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài với giá cao. Một lần nữa hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp trong nước cần chủ động, đoàn kết trao đổi thông tin trong mua, bán, xuất khẩu cà phê lại được rung lên.
Nghịch lý ngay tại “sân nhà”
Theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cà phê tăng mạnh, lượng xuất khẩu 8 tháng lên 958 ngàn tấn và giá trị đạt 2,1 tỉ đô la, tăng 12% về lượng và 72,2% về giá trị so với năm 2010. Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng, trong khi đó nguồn cung nội địa lại giảm đẩy giá cà phê trong nước tăng mạnh. Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng đang ở mức 2.234 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù xuất khẩu cà phê liên tục tăng, tưởng như các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chủ động được nguồn nguyên liệu, song thực tế, ngay tại sân nhà lại đang diễn ra nghịch lý là doanh nghiệp nước ngoài đã mua hầu hết lượng cà phê có trong dân, còn các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang trong tình trạng các kho hàng đã trống rỗng, chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể chủ động trong việc thu mua cà phê nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu.
Thực tế, lượng cà phê đã bị các doanh nghiệp nước ngoài mua hết, điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Đắk Lắk), mặc dù ngay từ đầu vụ đã đầu tư vốn cho hàng trăm hộ dân ở huyện Cư M'gar trồng càphê. Nông dân được hỗ trợ tiền mua phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… Tuy nhiên, vào cuối vụ thu hoạch, Inexim Đắk Lắk không mua được đến 50% lượng càphê như dự kiến do doanh nghiệp nước ngoài đã nhanh tay mua trước.
Trước thực tế cà phê đã cạn kiệt, mới đây 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam đã họp bàn tìm biện pháp ứng phó. Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cà phê VN (Vinacafe) đã nhận xét: Tại sao doanh nghiệp nước ngoài ít khi nào gặp nhau nhưng giá họ đưa ra lúc nào cũng chính xác, thống nhất còn chúng ta họp thường xuyên nhưng mỗi người lại bán giá khác nhau? Đó là do chúng ta thiếu sự thống nhất, thiếu đồng thuận, và do đó luôn lép vế trong các hợp đồng thương mại với nước ngoài”.
Thực tế, trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam chiếm đến 80% lượng hàng xuất khẩu nhưng đến nay gần một nửa số lượng hàng xuất khẩu rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Đây chính là nghịch lý đang diễn ra ngay tại sân nhà.
Để đối phó với thực tế này, các doanh nghiệp trong nước đã thống nhất thu mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn cà phê từ tháng 11.2011 - 1.2012 với thời gian tạm trữ từ 6 - 9 tháng. Hai Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Quân đội cũng đã cam kết sẽ cho vay thu mua với lãi suất ưu đãi. 
Có thể nói, việc mua tạm trữ cà phê để chủ động về nguồn hàng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, bài học của năm 2010 cho thấy, nước ngoài vẫn mua vào tạm trữ và họ đã thành công, còn chúng ta đứng ngoài cuộc. Theo đó, quan điểm của Hiệp hội là năm nào cũng phải mua tạm trữ ngay từ đầu vụ, như vậy mới có cơ hội điều tiết thị trường này. Hàng năm phải giữ 300.000 tấn để người dân không bán hàng ồ ạt, làm cho giá xuống. Nếu đầu vụ không tạm trữ thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá.
Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp
Lâu nay, các doanh nghiệp càphê trong nước thường "một mình một chợ" trong thu mua sản phẩm nên không có sự chủ động trước diễn biến tình hình. Theo lộ trình cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2011, Việt Nam phải mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu một số nông sản như gạo, càphê… Chính vì lẽ đó, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam không thể chủ quan, lơ là được nữa.
Để tự cứu mình, việc liên kết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước cần phải tăng cường liên kết với nhau xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, từ đó gia tăng vị thế, uy tín cho càphê Việt Nam và cho bản thân các doanh nghiệp. Không những thế việc liên kết chặt chẽ còn giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin và thống nhất hơn trong việc thu mua và xuất khẩu cà phê.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi phương thức kinh doanh. Các doanh nghiệp cần mua tạm trữ càphê ngay từ đầu vụ để có lợi cho cả người sản xuất và nhà kinh doanh. Để làm được điều này các doanh nghiệp cần chủ động về năng lực tài chính, chủ động mua hàng vào để dự trữ, tránh tình trạng phục thuộc quá nhiều vào ngân hàng và sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, sự phối kết hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp chặt chẽ cũng sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp có thêm tiềm lực tài chính để chủ động nguồn hàng. Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu đổi mới kinh doanh bằng cách thống nhất từ trên xuống dưới, các doanh nghiệp kinh doanh phải thực hiện an toàn nhất, chủ động mua hàng, bán hàng và lấy mục tiêu cao nhất là bảo toàn vốn và lợi nhuận, không chạy theo số lượng…. thì hầu hết đều mang lại thành công.
Mong rằng với sự đoàn kết, thống nhất, các doanh nghiệp cà phê trong nước sẽ dần lấy lại được sự chủ động trong việc thu mua và xuất khẩu cà phê, không để doanh nghiệp ngoại lấn lướt và bị thua ngay trên “sân nhà”. Đồng thời, mong rằng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước hơn nữa để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu cà phê tăng tốc mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=480370


Tin khác