Không khó kiểm soát

26/09/2011

"Doanh nghiệp nước ngoài được phép mua trực tiếp cà phê của dân nhưng mua với số lượng bao nhiêu, họ được đặt bao nhiêu điểm thu mua... là quyền của chúng ta".

Trước câu hỏi, làm sao để tránh những "hệ lụy" từ việc các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mua trực tiếp nông sản của nông dân, ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế cao cấp, kiêm tư vấn chính sách của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Việc DN nước ngoài được kinh doanh nông sản, trong đó có cà phê ở trong nước đã được cảnh báo từ rất lâu, kể từ khi VN mới gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngay trên sân nhà. DN nước ngoài sẽ mua trực tiếp cà phê của nông dân là biểu hiện cụ thể nhất về cảnh báo này.
Việc UBND tỉnh Đăk Lăk chính thức đề nghị Bộ Công Thương cho phép 1 DN nước ngoài được trực tiếp mua cà phê của nông dân có thể tạo ra làn sóng DN nước ngoài độc chiếm vùng nguyên liệu, ảnh hưởng lớn tới các DN VN và xuất khẩu cà phê của VN, thưa ông?
- Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị đối phó với tình hình này. DN nước ngoài được phép mua trực tiếp cà phê của dân nhưng mua với số lượng bao nhiêu, họ được đặt bao nhiêu điểm thu mua... là quyền của chúng ta. Tỉnh Đăk Lăk có thể hạn chế các DN này bằng cách cho họ mở bao nhiêu điểm thu mua, cho họ thuê bao nhiêu diện tích đất trồng cà phê...
Dù DN nước ngoài "đóng" ở đây song họ cũng không thể đến từng nông dân để mua cà phê mà vẫn phải qua đại lý, trung gian để mua. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể đặt điều kiện khi cho phép DN nước ngoài khi họ được mua trực tiếp nông sản của ta.
Nhưng trong trường hợp các DN nước ngoài sau khi "thâu tóm" vùng nguyên liệu, quay lại ép giá nông dân thì chúng ta khó có thể xử lý họ, thưa ông?
- Việc ép giá hay không còn tùy thuộc vào quan hệ cung-cầu, cạnh tranh của thị trường và tổ chức sản xuất kinh doanh của ta ở chính ngành hàng nông sản đó. Chính vì để tránh bị ép giá, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội phải theo dõi, giám sát. Với ngành cà phê, tôi cho rằng chúng ta đã đến lúc phải tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trong nước thích ứng với điều kiện mới, quy mô sản xuất phải lớn và người mua cũng phải là những DN lớn. Chúng ta không thể sản xuất kinh doanh manh mún mãi như hiện nay, để bị ép cấp, ép giá.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/59103p1c25/khong-kho-kiem-soat.htm


Tin khác