Mô hình mới để phát triển bền vững ngành nông nghiệp

28/09/2011

Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, sản xuất nông nghiệp đều phải gánh chịu các tổn thất rất lớn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Nhằm giúp nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam, với khoảng trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính phục vụ cho cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Qua thống kê cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng qua các năm, năm 2010 giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 20,6% GDP (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản); xuất khẩu các mặt hàng sản xuất nông nghiệp chủ yếu là 18.680 triệu USD trong đó riêng gạo là 3.212 triệu USD, thủy sản là 4.953 triệu USD. Có thể khẳng định, trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống, làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và xuất khẩu.
Tuy nhiên, do vị trí địa lý đặc thù cũng như do cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên hàng năm, sản xuất nông nghiệp của nước ta đã chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, dịch bệnh. Chỉ tính riêng trong năm 2010 (theo báo cáo của Tổng cục thống kê) có 30.000 ha lúa và hoa màu bị mất trắng, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính 11.700 tỷ đồng.
Nhằm giúp nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, Ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ. Tuy nhiên, đây mới chỉ mang tính chất khôi phục cuộc sống tối thiểu chứ chưa phải giúp nông dân khôi phục và bù đắp chi phí sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua một số doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm trong nông nghiệp ở một số địa bàn và một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhất định trên quy mô nhỏ. Mặc dù vậy, do đối tượng tham gia bảo hiểm ít, phí bảo hiểm cao, tổn thất lớn nên hoạt động bảo hiểm trong nông nghiệp đã chưa đạt được kết quả như mong muốn; Mặt khác, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta còn phân tán theo quy mô hộ gia đình, kỹ thuật canh tác nuôi trồng còn lạc hậu, nhận thức của nông dân trong việc đề phòng, hạn chế tổn thất chưa cao, nên chưa ý thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm; Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho dân nghèo. Trước thực trạng đó, ngày 21/9/2011, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 315/QĐ-TTG ban hành ngày 1/3/2011 của chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.
Việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Qua đó, sẽ tạo ra một khung khổ pháp lý để triển khai hoạt động bảo hiểm trong nông nghiệp, trong đó xác định rõ cơ chế bảo hiểm và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người nông dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với các hình thức bảo hiểm theo nguyên tắc tự nguyện, nông dân tham gia thông qua việc đóng phí bảo hiểm, theo đó sẽ được đền bù tổn thất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Nếu cơ chế thí điểm này thực hiện tốt sẽ góp phần tích cực trong việc khắc phục các thiệt hại về tài chính, đảm bảo sự an toàn cho người dân trong khu vực nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm kinh doanh mới nhằm đa dạng hóa các hoạt động bảo hiểm trong nền kinh tế; góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Những nỗ lực thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp
Bộ Tài chính cho biết, đối với Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ đã tiến hành khảo sát để xác định cây trồng, vật nuôi và địa bàn thí điểm BHNN và phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương hoàn chỉnh Đề án thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011- 2013. các đối tượng được thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đợt này rất đa dạng. Bao gồm: Cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; Trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; nuôi trồng thuỷ sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về quy mô và địa bàn sản xuất, đối với cây lúa nước, mỗi tỉnh chọn 3 huyện, quy mô bảo hiểm toàn huyện đối với các vùng chuyên sản xuất lúa nước; đối với vật nuôi và thủy sản, mỗi tỉnh chọn 3 huyện, mỗi huyện chọn 3 xã để thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Các rủi ro được nhận bảo hiểm nông nghiệp bao gồm, thiên tai: bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các rủi ro thiên tai khác; dịch bệnh: dịch cúm; dịch tai xanh; bệnh lở mồm, long móng, bệnh thuỷ sản, dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá và các loại dịch bệnh khác.
Đặc biệt, trong đợt thí điểm này Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương; Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% còn lại; Ngân sách địa phương tự đảm bảo đối với các địa phương còn lại.
Một lợi thế nữa, đợt thí điểm bảo hiểm nông nghiệp này có sự tham gia của các Bộ, ngành và các cấp chính quyền. Theo đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đặc biệt, các văn bản này đều quy định rõ sự tham gia khá sâu rộng của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã. Ngoài ra, vai trò của các tổ chức đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...) cũng được đánh giá đúng mức và sẽ được phát huy tối đa trong quá trình triển khai. Đây là những điều kiện nền tảng rất cần thiết trước khi có thể kỳ vọng vào sự thành công của bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, các quy định về kỹ thuật bảo hiểm có những điểm mới so với thực tế triển khai từ trước tới nay. Cụ thể, việc áp dụng bảo hiểm theo chỉ số thay vì bảo hiểm mọi rủi ro, đơn vị bảo hiểm là cấp xã thay vì từng hộ sản xuất như trước đây. Cách làm này giúp cho nhà bảo hiểm không phải bồi thường các rủi ro nhỏ lẻ của một vài hộ gia đình nhằm tập trung bồi thường cho những tổn thất mang tính thảm họa là chính, đồng thời tiết kiệm được các chi phí quản lý, giảm thiểu được thời gian, nhân lực và công sức trong việc giám định, bồi thường và ngăn ngừa các gian lận bảo hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vẫn gặp phải một số khó khăn. Theo đại diện các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là nông dân chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm. Hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm thì không khó khăn, nhưng với những hộ chỉ được hỗ trợ từ 60-80% phí bảo hiểm, thì nông dân khó được thuyết phục để đóng nốt số phí còn lại. Mặt khác, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta còn phân tán theo quy mô hộ gia đình, kỹ thuật canh tác nuôi trồng còn lạc hậu, nhận thức của nông dân trong việc đề phòng, hạn chế tổn thất chưa cao, nên chưa ý thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm; Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho dân nghèo.
Trước mắt bảo hiểm nông nghiệp mới trong giai đoạn thí điểm, những thuận lợi sẽ tạo niềm tin cho sự khả thi của chương trình. Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng vẫn còn ở phí trước. Hi vọng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và các cấp chính quyền bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triểm khai sâu rộng trên khắp cả nước giúp người nông dân bớt nỗi lo về những rủi ro của thiên tai và dịch bệnh.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=480317


Tin khác