Khánh Hòa: Chuối phá... rừng, phá đường

28/09/2011

Được xác định là cây chủ lực, xóa đói giảm nghèo của huyện miền núi Khánh Sơn, cây chuối mốc (chuối sứ) đã được khuyến khích mở rộng diện tích làm phá vỡ quy hoạch, và đang gây tác hại không nhỏ tại địa phương này.

Bò ăn chuối
Phòng NNPTNT Khánh Sơn cho biết, chuối là một trong những cây trồng chủ lực tại Khánh Sơn, diện tích trồng chuối của huyện tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng và cho thu nhập đều đặn, cây chuối được bà con dân tộc huyện Khánh Sơn “phủ kín” đồi núi. Từ khởi đầu chỉ vài trăm ha, đến nay, theo con số thống kê chưa chính thức, toàn huyện đã có trên 1.000ha chuối, hàng năm cho sản lượng khoảng 30.000 tấn, chủ yếu là chuối mốc.
Chuối chờ được thu mua tại thôn Ko Róa, xã Sơn Lâm, Khánh Sơn.
 
Nhiều năm liền, giá chuối luôn giữ vững từ 4.000-5.000 đồng/kg, thương lái đánh xe ô tô đến tận nhà thu mua đã làm cho bà con phấn khởi và vững tin vào hiệu quảkinh tế cây chuối mang lại. Vậy nhưng, từ dịp Tết Nguyên đán đến giữa năm nay, chuối ở Khánh Sơn bị tồn đọng, có lúc đọng hàng nghìn tấn. Giá chuối tụt giảm xuống còn 1.500 – 1.600 đồng/kg.
Ở hai xã Sơn Lâm và Thành Sơn, nơi giao thông khó khăn do cầu tràn bị trôi trong mùa lụt bão năm trước, giá chuối chỉ bằng 50-60% giá trị trường.
Chị Cao Thị Sính (thôn Ko Róa, xã Sơn Lâm, Khánh Sơn) cho biết: Chuối lớn giá 1.000 đồng/kg, chuối nhỏ 500 đồng/kg mà cũng chỉ mua số ít nên bà con cứ để chuối chín rục trên cây. Còn chủ nậu Bùi Thị Thu Hằng (thôn Liên Hòa, Sơn Bình, Khánh Sơn) kể: “Tôi làm chủ nậu chuyên thu mua chuối 8 năm rồi, chưa bao giờ thấy cảnh chuối chín thối trên rẫy như năm nay. Người chê chuối, chỉ còn cách đem chuối cho bò ăn”.
Ông Ngô Hữu Giác - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho biết, đây là hậu quả của việc trồng chuối theo phong trào, trong khi đầu ra chưa ổn định. Việc chuối không tiêu thụ được và giá thấp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đến việc xóa đói giảm nghèo. UBND huyện đã chỉ đạo tìm thị trường, đầu mối tiêu thụ chuối, đồng thời chỉ đạo cho Trung tâm Thương mại miền núi tổ chức bán chịu lương thực, thực phẩm cho bà con, tránh để xảy ra tình trạng thiếu đói.
Chuối phá rừng, phá đường
Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn còn cho biết thêm: Việc phát triển nóng trong phong trào trồng chuối đang là một trong những nguyên nhân gây sạt lở taluy, làm ách tắc giao thông.
Giá chuối ổn định, cho thu nhập cao đã “xui” nhiều hộ dân ở cả các huyện lân cận đổ xô lên Khánh Sơn thu gom đất của đồng bào dân tộc thiểu số với giá rẻ để lập vườn, trồng chuối. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 250ha rừng phòng hộ xung yếu ở khu vực phía đông đèo Khánh Sơn đã bị chặt phá để trồng chuối.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với UBND huyện Cam Lâm thu hồi diện tích trồng chuối này trồng lại rừng phòng hộ.
Chỉ tính riêng 2 tiểu khu 313 và 314, nơi có Tỉnh lộ 9 xuyên qua, hàng trăm ha rừng hoặc đất rừng đã biến thành vườn chuối của trên 100 hộ dân. Chuối được thay thế bằng cây rừng phòng hộ “trải” kín trên mái taluy dọc đường đèo dẫn lên thủ phủ huyện Khánh Sơn. Mùa mưa lũ năm ngoái, đất đá từ những vườn chuối phía đông đèo đã đổ ụp xuống, gây sạt lở nhiều nơi, sạt cả taluy âm gây ách tắc nhiều ngày, nhất là đoạn từ km20 lên đến đỉnh đèo.
Theo Sở Giao thông - Vận tải, trong 4 năm trở lại đây, năm nào cũng có trên dưới 20 điểm sạt lở, đặc biệt nghiêm trọng là đoạn từ km22 đến km30 thuộc Tỉnh lộ 9. Hàng năm địa phương tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cải tạo, sửa chữa để thông tuyến. Sở này cũng xác định việc dân canh tác, trồng chuối là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở. Ông Ngô Hữu Giác cho biết, phần lớn diện tích trồng chuối trên đèo đều thuộc xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm), nhưng đường đèo bị sạt lở gián đoạn giao thông lại ảnh hưởng nặng nề đến Khánh Sơn.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/59425p1c34/khanh-hoa-chuoi-pha-rung-pha-duong.htm


Tin khác